Loại cây mọc hoang ở Việt Nam, khoa học coi là vị thuốc quý phòng ngừa nhiều bệnh
 -  7.936 Lượt xem
(Doanh nhân thời đại) Không chỉ được sử dụng làm gia vị cho nhiều món ăn, lá lốt được sử dụng làm nguyên liệu cho nhiều nghiên cứu khoa học và có tác dụng phòng ngừa nhiều bệnh tật
Lá lốt có tên khoa học là Piper sarmentosum mọc chủ yếu ở các vùng nhiệt đới Đông Nam Á, Đông Bắc Ấn Độ và Nam Trung Quốc.
Tại Việt Nam, lá lốt được sử dụng để chế biến các món ăn hấp dẫn như món om, món chả, món canh, rang, chiên, xào... Bên cạnh việc được sử dụng làm thực phẩm , lá lốt còn là cây thuốc dân gian có công dụng chữa nhiều bệnh.
1. Chiết xuất nước ép lá lốt làm tăng sản xuất oxit nitric, giảm stress oxy hoá, ngăn ngừa xơ vữa động mạch
Theo đó, kết quả nghiên cứu đăng tháng 7/2010 đã kết luận, chiết xuất nước lá lốt có thể cải thiện chức năng nội mô bằng cách thúc đẩy sản xuất Nitric Oxide (NO) trong tế bào nội mô tĩnh mạch rốn chính (HUVECs).
Nitric Oxide được sản xuất bởi synthase oxit nitric nội bào (eNOS) có nhiều đặc tính chống xơ vữa động mạch. Do đó, tăng cường sản xuất NO có thể bảo vệ cơ thể chống lại sự phát triển của chứng xơ vữ động mạch.
Theo báo cáo đăng trên NCBI, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng lá lốt có hoạt tính chống oxy hóa và chống viêm.
2. Hy vọng mới trong điều trị loãng xương
Loãng xương là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến trên toàn cầu. Loãng xương có thể gây mất khối lượng, giảm sức chịu đựng của xương, từ đó tăng nguy cơ gãy xương. Điều trị bằng Glucocorticoid là nguyên nhân hàng đầu gây loãng xương thư phát. Hoạt động của glucocorticoid trong xương phụ thuộc vào enzyme 11beta-hydroxysteroid dehydrogenase loại 1 (11β-HSD1).
Lá lốt là loại rau gia vị thường được sử dụng trong ẩm thực địa phương ở Đông Nam Á. Nó cũng được sử dụng để điều trị nhiều bệnh như viêm da hay đau khớp .
Các nghiên cứu đã phát hiện chất chống oxy hóa thông qua các hợp chất flavonoid là naringenin – có tác dụng chống loãng xương.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, chiết xuất lá lốt có khả năng ức chế biểu hiện và hoạt động của 11β-HSD1 trong mô mỡ, đồng thời giúp phục hồi cấu trúc xương. Nó cũng giúp làm tăng tốc độ phục hồi vết nứt ở xương do thiếu oestrogen.
3. Chiết xuất lá lốt làm giảm sự tích tụ mỡ nội tạng trên chuột
Béo phì nội tạng có thể bắt nguồn từ nguyên nhân rối loạn sản xuất cortisol hoặc sự trao đổi chất dẫn đến hội chứng chuyển hóa .
Trong mô mỡ, enzyme 11beta-hydroxysteroid dehydrogenase loại 1 điều chỉnh sự chuyển hóa cortisol (11beta-HSD1).
Lá lốt là cây thuốc ăn được sử dụng ở Châu Á như thuốc y học cổ truyền để điều trị bệnh tiểu đường, cao huyết áp và đau khớp. Trong nghiên cứu được đăng trên tạp chí NCBI, các nhà khoa học đã xác định được ảnh hưởng của chiết xuất lá lốt đối với sự bố trí và hình thái học của tế bào tạo mỡ quanh màng trên chuột nhắt có bổ sung thuốc tiêm bắp dexamethasone.
Những con chuột được điều trị với chiết xuất lá lốt trong trong 8 tuần cho thấy có hiệu quả giảm sự tích tụ của tế bào tạo mỡ quanh thận.
Nghiên cứu kết luận, chiết xuất lá lốt làm giảm sự tích tụ chất béo trong màng và giảm đường kính màng tế bào. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cần nghiên cứu thêm để xác định vấn đề.
Chuyên gia Đông Y hướng dẫn dùng lá lốt làm thuốc trị bệnh
Theo BSCKII Phạm Hưng Củng – Nguyên Vụ trưởng Vụ YHCT Bộ Y tế, lá lốt là vị thuốc lâu đời của nhân dân ta, hiện nay, chúng ta thường dùng lá lốt để làm thức ăn hoặc làm thuốc.
Theo BS Hưng Củng, theo Y học Cổ truyền, lá lốt có vị hơi cay, thanh nhiệt, có tác dụng phòng trừ thấp khớp. Do vậy, lá lốt được dùng để chế ra các loại thuốc, hoặc phối hợp với các loại thuốc khác để chữa các bệnh lý như phong tê thấp, đau xương khớp , đau dây thần kinh liên sườn, chữa chân tay tê bì, điều tiết mồ hôi.
BS Hưng hướng dẫn một số bài thuốc trị bệnh từ cây lá lốt:
1. Bài thuốc chữa đau răng
Lấy lá lốt rửa thật sạch, giã nát với vài hạt muối ép lấy nước, dùng bông sạch tẩm vào răng bị đau. Ngậm 2-3 phút rồi súc miệng bằng nước muối. Ngày tẩm thuốc 3-4 lần trong 1-2 ngày sẽ giảm đau hiệu quả.
2. Bài thuốc chữa thấp khớp, đau nhức xương
Nguyên liệu:
- Lá lốt 20 gram
- Cỏ xước 20 gram
- Cành dâu 20g
- Cà gai leo 20 gram
- Ngải cứu 10 gram
Tất cả các vị sao qua, sắc lấy nước uống mỗi ngày một thang, sử dụng trong 3-5 ngày.
Theo Soha