Nghe tường thành kể chuyện
 -  6.681 Lượt xem
(Doanh nhân thời đại) Hùng vĩ như Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc), vừa phải như Công Sơn Thành thời Bách Tế (Hàn Quốc), đến những công trình nhỏ hơn ở Himeji, Osaka, Sendai, Okinawa (Nhật Bản)... đều là những tòa thành, lâu đài phòng vệ danh tiếng khiến hậu thế phải nghiêng mình kính nể, khi khám phá những chuyện kể về nó
Điểm giống nhau từ các tòa thành khắp vùng Đông Bắc Á là đều sử dụng chất liệu cơ bản từ đá, nhưng quy mô, công năng mang đặc trưng riêng, gắn liền sự hưng vượng của hoàng triều đương thời và yếu tố lịch sử.
Nếu Vạn Lý Trường Thành là bức tường phòng vệ cho cả quốc gia, thì Gongsanseong (Công Sơn Thành) ở tỉnh Gongju (Hàn Quốc) gắn liền với thời trị vì của Vương triều Baekje (Bách Tế), một trong ba tiểu quốc cùng Gogyryeo (Cao Câu Ly) và Silla (Tân La) hợp thành Hàn Quốc ngày nay.
Qua đến Nhật Bản, tường thành vẫn mang mục đích phòng vệ nhưng phục vụ nhu cầu của số ít lãnh chúa, các samurai lừng danh, hơn là nhu cầu vương triều, lãnh thổ. Chu du qua các tường thành nghe lại chuyện xưa, sẽ là hành trình lý tưởng khi thu sang, đông về.
Một đoạn trường thành chế ngự trước hiểm trở của vách núi
Những tòa thành bất hủ
Nói đến quy mô và tính biểu tượng của những tường thành cổ, không thể bỏ qua Vạn Lý Trường Thành, với "Bất đáo trường thành phi hảo hán", câu nói đầy khiêu khích dân lữ hành khi đã có cơ hội đứng dưới chân Vạn Lý Trường Thành. Một trong những điểm đến du ngoạn trường thành lý tưởng là Cư Dung Quan, cửa ải chính phòng vệ cho thành cổ Bắc Kinh xưa.
Đến Cư Dung Quan trong chiều sương mù, du khách thưa vắng là cái cớ hoàn hảo để chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của bức tường thành. Đoạn thấp nhất ở Cư Dung Quan cao 7m, như con rồng dài uốn lượn men theo trùng điệp của núi đá. Nổi trên bề mặt thành là các tòa kiến trúc mang nhiều công năng như tháp canh, pháo đài, địch lầu (nơi cất vũ khí, lương thực và trú ngụ cho binh sĩ) với những Gác Tứ Phương, Biểu Trung Quán, Vân Đài Môn, Phong hỏa đài (nơi đốt khói, lửa dùng báo tin khi có kẻ thù xâm nhập lãnh thổ).
Là công trình mang nhiệm vụ phòng ngự, với chất liệu chủ đạo là đá, đoạn thành ở Cư Dung Quan, hiện là cửa ải lớn nhất của Vạn Lý Trường Thành, được hoàn thiện ở thời nhà Minh, nhờ vậy vẻ đẹp kiến trúc được bảo tồn nguyên vẹn. Nhìn trường thành chạy dọc trên các sống núi, bám theo mép vực sâu hiểm trở, cho thấy sự chế ngự địa hình hẳn thật đầy gian khổ để hoàn thiện được những đoạn thành ngoạn mục. Trường thành nay được chuyển đổi công năng từ phòng vệ thành điểm đến du ngoạn, khám phá và chinh phục của lữ khách tứ phương.
Azuchi Momoyama Bunka Mura là tòa thành xây lại theo nguyên bản thành Azuchi của lãnh chúa Oda Nobunaga
Ở khu vực Đông Bắc Á, có tường thành tiêu biểu khác có kiến trúc khá nguyên vẹn là Gongsanseong (Công Sơn Thành) hay còn gọi là Ungjinseong (Hùng Tân Thành năm 475 - 538) của vương triều Bách Tế. Trải qua giai đoạn chiến tranh ở thế kỷ V, đặc biệt là sau khi Seoul rơi vào tầm kiểm soát của Cao Câu Ly, vương triều Bách Tế rút về Ungjin lập nên kinh đô Bách Tế. Công trình gồm đoạn tường thành bằng đá cao hơn 5m, bao quanh vùng đồi núi rộng hơn 20ha với một bên là dòng Geumgang, một bên là núi Gongsan trùng điệp.
Gongsanseong có quy mô nhỏ, với chiều dài đo được là 2.660m, công năng chủ yếu là tường thành phòng vệ cho hoàng cung. Đến năm 538, Bách Tế lại tiếp tục dời đô, khiến tòa thành Công Sơn dần trở nên hoang phế. Hiện chỉ còn lại kiến trúc tường thành ở Gongsanseong là nguyên vẹn, các nhà khảo cổ đã tìm ra các dấu tích về những công trình phụ trợ cho cung điện hoàng gia Bách Tế với kiến trúc, bờ kè, cầu, đường, hệ thống thủy lợi, hồ chứa nước trong nội thành.
Cổ thành kiểu Nhật
Khác với Trung Quốc và Hàn Quốc, người Nhật có lối xây thành phòng vệ mang quy mô nhỏ, gắn với kiến trúc lâu đài nhiều hơn là phòng vệ cho cả vương triều hay vùng lãnh thổ. Ngoại trừ tòa thành đặc biệt do người Nhật xây dựng nhưng nằm ngoài nước Nhật, đó là lâu đài Ulsan (Uý Sơn Lầu Thành) ở Ulsan (Hàn Quốc), hay còn gọi là Hakseong (Hạc Thành), được tướng quân Kato Kiyomasa xây nên trong giai đoạn chiến tranh Imjin (1592 - 1598).
Khi cuộc chiến Nhật - Hàn nổ ra năm 1592, người Nhật đã dựng lên rất nhiều công trình phòng vệ ở Hàn Quốc gọi là Wajo (Oa thành - Thành của người Oa - tức là người Nhật Bản theo cách gọi của người Trung Quốc thời xưa) để phòng vệ.
Cách xây thành là dựa vào thế núi, ốp vào sườn các phiến đá tạo nên một tường thành tự nhiên để phòng thủ. Hình thái tường thành này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi, lịch sử ghi lại chỉ 4 năm sử dụng, sau đó bị bỏ quên khi quân đội Nhật rời đi từ năm 1598. Kato Kiyomasa và gia tộc Kato cũng là chủ nhân của tòa thành danh tiếng Kunamoto tại Nhật Bản từ năm 1588 - 1632.
Phần chân đế bằng đá phiến, cao hơn 15m ở thành Sendai
Tường thành ở Nhật Bản khi xây nên đều có ý tưởng ban đầu là phòng vệ, không chỉ mang công năng là một pháo đài, nơi kiểm soát chiến lược, gây ấn tượng với đối phương, mà còn là trung tâm hành chính của chính phủ, nơi cư trú của lãnh chúa và gia đình. Vị trí các tòa thành của Nhật Bản thường tọa lạc nơi chiến lược như đường sá, sông ngòi, tuyến đường giao thương.
Thành quách kiểu Nhật nhằm phục vụ các lãnh chúa, mỗi vùng lại một vị cai quản khác nhau, do vậy tòa thành không chỉ mang diện tích nhỏ, mà lối kiến trúc cũng nhiều khác biệt. Thường là sự hợp thành của chất liệu chính là đá và gỗ. Đá dùng làm phần chân đế, xây theo mô hình kim tự tháp với tiết diện rộng dưới đáy, nhỏ dần khi lên cao.
Các mặt đá ốp được xử lý khéo léo, tiết diện phẳng, cùng độ dốc cao nên rất khó để có thể tiếp cận và trèo lên được. Bao quanh phần chân đế là nền móng của tòa thành, thường có hào nước, mục đích hạn chế tối đa sự xâm nhập từ bên ngoài. Lối kiến trúc xây thành kiểu Nhật cũng giúp các cung thủ, những người bảo vệ thành có thể dễ dàng quan sát và tấn công kẻ xâm nhập.
Những tòa thành dù nguyên vẹn hay chỉ tồn tại một phần phế tích như Azuchi ở Omi, Matsumoto ở Nagano, Nagoya ở Aichi, Shimabara ở Nagasaki, Shuri ở Okinawa, Sendai ở Miyagi... đều là những ví dụ hoàn hảo cho kiểu kiến trúc xây thành phòng vệ theo kiểu Nhật.
Một chi tiết nổi bật trong kiến trúc thành của Nhật Bản khác với các kiến trúc thành quách khác, đó là việc tận dụng vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên làm điểm nhấn, tôn lên nét hài hòa cùng vẻ đẹp kiến trúc đậm chất Nhật Bản, không nặng tính chế ngự, trấn áp, mà là biểu đạt phong cách, văn hóa... kể cả sự sang trọng, quý phái như thành Azuchi của lãnh chúa Oda Nobunaga với tầng cao nhất là phòng trà được dát hoàn toàn bằng vàng.
Thời cực thịnh ở thế kỷ XVI, cả Nhật Bản có đến hơn 5.000 thành quách, lâu đài. Nhưng hiện chỉ còn lại khoảng 100 lâu đài hiện hữu, tất cả đều là điểm tham quan lý tưởng để khám phá nét độc đáo trong kiến trúc xây thành theo kiểu Nhật của lữ khách đến từ khắp thế giới.
Theo DNSG