Bác sĩ khuyên 4 nhóm người phải đặc biệt chú ý khi ăn lẩu
 -  5.993 Lượt xem
(Doanh nhân thời đại) Lẩu là món ăn ngon phổ biến trong mùa lạnh, nhưng ngon không có nghĩa là tốt cho tất cả mọi người. Theo chuyên gia dinh dưỡng, 4 nhóm người sau đây nên chú ý đặc biệt trước khi ăn
Mùa lạnh là thời gian cao điểm của những bữa lẩu vì nhiều người rất thích tụ tập ăn lẩu trong không khí ấm áp, vừa ăn vừa thổi. Mặc dù là món ăn hấp dẫn, nhưng lẩu lại không phải là món ăn phù hợp với tất cả mọi người.
Theo chuyên gia, sau đây là 4 nhóm người không nên ăn nhiều lẩu, nếu ăn, hãy chú ý cẩn thận để không làm tổn hại nặng nề tới sức khỏe.
1. Người có bệnh tiểu đường
Nếu bạn bị bệnh tiểu đường, dù mức độ nặng hay nhẹ thì cũng nên chú ý khi ăn lẩu. Không nên ăn quá nhiều cá, tôm. Đặc biệt những người có mức tiểu đường không ổn định thì lại càng không nên ăn.
Lý do là vì, trong món lẩu chứa rất nhiều chất dinh dưỡng "tàng hình", có vẻ như bạn sẽ khó kiểm soát được số lượng thức ăn trong suốt bữa ăn của mình. Vì vậy, hãy cố gắng lưu ý.
Thứ nhất là nếu ăn lẩu nên chọn các loại thực phẩm ít mỡ, cá, tôm, gà hoặc một số loại thịt tươi. Nên hạn chế ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn dạng viên hoặc miếng vì chúng chứa dầu mỡ, muối hoặc tinh bột nhiều.
Thứ hai là nên chọn các loại rau có lá hoặc quả dạng bầu bí thay vì ăn nhiều các loại khoai như khoai tây, khoai lang, khoai sọ, khoai môn… Nếu ăn các loại khoai thì hạn chế hoặc giảm ăn các thực phẩm chính thuộc nhóm tinh bột để không bị thừa chất trong một bữa ăn.
Thứ ba, khi ăn lẩu có thể ăn kèm thêm thực phẩm chính như mì, bún. Sau đó thì nên chọn đồ uống không chứa đường càng tốt như nước lọc, nước trà nhạt, nước đậu không đường…
2. Người có bệnh gút (gout)
Bệnh nhân gút nếu có ăn lẩu thì nên ăn ít hải sản và thịt động vật, đồ uống tốt hơn nên chọn là soda. Nguyên tắc dinh dưỡng chung của bệnh nhân gút, trước hết nên chọn các món ăn chứa thành phần chủ yếu là thực phẩm chay, có thể ăn thêm một lượng thịt nhỏ, tốt nhất là không chọn hải sản và nội tạng.
Hầu hết các loại trái cây và rau quả là thực phẩm ít purine, đặc biệt là bắp cải, cà rốt, khoai tây, rong biển và các loại dưa.
Ngoài ra, nhóm người bị gút cũng nên hạn chế ăn nấm vì món này chứa lượng purine cao, những bệnh nhân bị tăng acid uric máu không nên ăn phần đáy nồi lẩu, đặc biệt, không uống nước lẩu. Bởi vì, các gia vị như hạt tiêu, ớt, mù tạt có thể gây bùng phát các cơn gút, ăn càng ít càng tốt.
Cuối cùng, uống soda trong khi ăn lẩu có thể trung hòa axit uric và là một thức uống rất phù hợp cho bệnh nhân bệnh gút khi đi ăn uống bên ngoài.
Bệnh nhân gout không nên uống rượu khi ăn lẩu, vì rượu được chuyển hóa trong cơ thể để tạo ra axit lactic, ảnh hưởng đến việc thải axit uric. Ngoài ra, bệnh nhân bệnh gút vào bữa thì nên ăn các loại rau trước, chờ đến giữa bữa ăn mới nên ăn thịt, điều này không chỉ giúp kiểm soát lượng thịt và năng lượng mà còn tránh ăn quá nhiều chất đạm.
3. Người bị béo phì, mỡ máu cao
Nhóm người này nên hạn chế ăn lẩu. Nếu ăn thì nên chọn loại lẩu nước suông nhạt hơn so với các loại nước lẩu có nhiều dầu mỡ. Một trong những điều quan trọng nhất là chú ý kiểm soát việc cho thêm các loại thực phẩm chứa chất béo và năng lượng cao trong khi ăn.
Không nên chọn lẩu vị cay vì thường sẽ kết hợp với nhiều dầu mỡ. Thay vào đó, bạn nên chọn các loại nước thanh đạm nhất, lẩu rau củ quả luôn là ưu tiên hàng đầu. Trong bữa ăn, tốt nhất bạn nên ăn lẩu chay hoặc chọn rau củ quả để ăn thay vì chọn các món chứa năng lượng hoặc chất béo.
Xét về thành phần dinh dưỡng, nhóm người này nên chọn ăn hầu hết các loại rau, chúng chứa vitamin, khoáng chất, calo và chất xơ, không chỉ có thể giúp bạn làm tăng cảm giác no, mà còn có thể làm giảm sự hấp thụ chất béo và cholesterol.
Thịt bò thái lát mảnh là thực phẩm giàu chất béo, người có mức lipid máu cao nên chọn thịt gà, hải sản và thực phẩm ít chất béo khác, bạn cũng có thể sử dụng đậu hũ thay cho thịt. Đừng ăn nhiều nước lẩu vì sẽ vô tình ăn nhiều calo.
Trong việc lựa chọn gia vị, cố gắng không chọn nước sốt có hàm lượng chất béo cao và giàu chất béo như nước sốt mè. Bạn có thể sử dụng một lượng nhỏ dầu mè, thêm một chút nước tương có hương vị và lượng giấm thích hợp, như vậy lượng calo sẽ giảm đi đáng kể.
4. Người có bệnh cao huyết áp
Bệnh nhân bị tăng huyết áp nên ăn các sản phẩm thịt chế biến ít hơn và ưu tiên thức ăn càng nhẹ càng tốt. Ở những bệnh nhân cao huyết áp ăn lẩu phải kiểm soát lượng muối.
Trước hết, đồ ăn nhúng kèm và nước lẩu cần chọn loại thanh đạm, một số thực phẩm có tính chất ngấm mặn thì nên hạn chế, ví dụ như đậu phụ, các loại khoai, các loại thực phẩm chế biến sẵn như viên thịt cá, xúc xíc, vì chúng tiềm ẩn lượng muối khá lớn.
Những món ăn này trong quá trình sản xuất đã có muối, nếu nấu lâu có thể bị ngấm muối mặn hơn, ăn nhiều dễ dàng bị tăng lượng muối quá mức, hạn chế uống nước lẩu vì muối đọng ở đáy nồi nhiều hơn.
Cần phải nhắc nhở thêm rằng, nhiều người thích ăn lẩu với đồ uống lạnh. Vừa ăn nóng vừa uống lạnh là cách ăn không tốt cho sức khỏe, chúng dễ làm hỏng đường tiêu hóa, đặc biệt là tăng huyết áp và các bệnh tim mạch khác.
Sau khi uống nước lẩu nóng, lại uống đồ uống lạnh là nguyên nhân gây co thắt dạ dày, mạch máu hoạt động không ổn định, có thể gây huyết áp giao động.
Nói tóm lại, nếu bạn thuộc nhóm những người được nêu ở trên, tốt nhất nên chú ý "giữ mồm giữ miệng", tránh ăn uống sai lầm, bệnh trở nên nặng hơn, thậm chí nguy hiểm.
Bài viết này của bác sĩ Tống Tân, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Triều Dương Bắc Kinh, Đại học Y khoa Thủ đô (TQ).
*Theo Health People/Trí Thức Trẻ/Cfbiz