Vì sao bạn phải cân nhắc trước khi uống nước ngọt?
 -  6.388 Lượt xem
(Doanh nhân thời đại) Sử dụng nhiều thức ăn, đồ uống có hàm lượng đường cao như loại bánh ngọt, thức ăn nhanh và đặc biệt là nước ngọt đóng chai là nguyên nhân gây thừa cân, béo phì
Được biết đến với tác dụng giải khát nhanh và là thức uống khoái khẩu của nhiều người, tuy nhiên nước ngọt đóng chai thường không có nhiều giá trị dinh dưỡng cũng như có chứa nhiều đường, các chất tạo ngọt nhân tạo và chất tạo màu, tạo mùi tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe mà bạn phải cân nhắc trước khi sử dụng.
Bệnh nhân béo phì thường sử dụng nước ngọt hàng ngày
Tại Trung tâm Dinh dưỡng thành phố Hồ Chí Minh, hàng ngày, có rất đông bệnh nhân đến khám vì các tình trạng thừa cân, béo phì, tiểu đường và các bệnh lý khác liên quan đến chế độ dinh dưỡng. Khi được hỏi về thói quen ăn uống trong lúc khai thác tiền sử, nhiều bệnh nhân cho biết họ thường xuyên sử dụng các loại nước ngọt, thậm chí là sử dụng hàng ngày.
BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp (Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) cho biết: “Tại trung tâm, ngày càng nhiều bệnh nhân đến khám vì các rối loạn sức khỏe liên quan đến chế độ dinh dưỡng. Ngày nay, khi đời sống vật chất không ngừng được cải thiện, việc dễ dàng tiếp cận các thực phẩm giàu năng lượng, giàu chất béo, nhiều đường và đặc biệt là thói quen sử dụng các loại nước ngọt của người dân thật sự là mối nguy với sức khỏe cộng đồng. Nghiêm trọng hơn, chính là sự thiếu kiến thức về thực hành dinh dưỡng của người dân làm ảnh hưởng đến các quyết định lựa chọn thực phẩm cho phù hợp”.
Khi lướt qua bao bì của các loại nước ngọt phổ biến trên thị trường, chúng ta không khó nhận ra thành phần chủ yếu của nước ngọt hầu như không có bất kỳ giá trị nào về mặt dinh dưỡng. Tác dụng chính của nước ngọt là giải khát, tạo cảm giác ngon miệng và muốn uống thêm cho người dùng. Ngoài việc không có giá trị dinh dưỡng, nước ngọt với các thành phần như đường, chất tạo ngọt nhân tạo và các chất tạo màu, tạo mùi ẩn chứa rất nhiều nguy cơ cho người tiêu dùng.
Các loại nước ngọt chứa hàm lượng đường rất cao. Ảnh: Healthline
Những mối nguy hiểm tiềm ẩn trong nước ngọt
Khi lướt qua bao bì của các loại nước ngọt phổ biến trên thị trường, chúng ta không khó nhận ra thành phần chủ yếu của nước ngọt hầu như không có bất kỳ giá trị nào về mặt dinh dưỡng. Tác dụng chính của nước ngọt là giải khát, tạo cảm giác ngon miệng và muốn uống thêm cho người dùng. Ngoài việc không có giá trị dinh dưỡng, nước ngọt với các thành phần như đường, chất tạo ngọt nhân tạo và các chất tạo màu, tạo mùi ẩn chứa rất nhiều nguy cơ cho người tiêu dùng.
Đường là thành phần chính của nước ngọt, chính vì thế khi tiêu thụ quá nhiều nước ngọt sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình chuyển hóa trong cơ thể, gây ra nhiều hệ lụy.
Bác sĩ Ngọc Diệp cho biết: “Một số nghiên cứu khoa học trên thế giới đã chỉ ra mối liên quan giữa việc sử dụng những thực phẩm chứa nhiều đường với các bệnh lý như béo phì, đái tháo đường, sâu răng và mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Trong đó, đường trong các loại nước ngọt đóng chai góp phần đáng kể gây ra các tình trạng trên. Chính vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới, Hiệp hội Béo phì thế giới và nhiều quốc gia đã đưa nhiều khuyến nghị về việc giảm tiêu thụ đường và thực phẩm chứa nhiều đường nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe”.
Khi hiểu được các tác hại của việc tiêu thụ đường trong nước ngọt, nhiều loại nước ngọt không đường được sản xuất với thành phần thay thế là chất tạo ngọt nhân tạo Aspartame (E951). Các loại thức uống này giúp hạn chế lượng đường tiêu thụ, nhưng chất Aspartame có tác dụng phụ là làm cơ thể mau đói và có cảm giác thèm ăn, kích thích ăn nhiều hơn. Vì vậy, việc sử dụng nước ngọt không đường thay thế cho các loại nước ngọt có đường để giảm cân hoặc hạn chế nguy cơ béo phì nếu dùng nhiều là một ngộ nhận.
Một báo cáo của các nhà khoa học tại Đại học Manitoba (Canada) được đăng tải trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Canada năm 2017, cho rằng: “Chất làm ngọt nhân tạo có thể liên quan đến tăng cân lâu dài và tăng nguy cơ béo phì, đái tháo đường, cao huyết áp và bệnh tim”.
Ngoài ra, nước ngọt còn chứa các thành phần hoá học khác cũng tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khoẻ con người. Các muối Phosphat và Acid Phosphoric có vai trò tạo mùi hương và kéo dài hạn sử dụng cho nước ngọt khi vào cơ thể sẽ được chuyển hoá thành Phospho. Trong cơ thể, Calci và Phospho là 2 chất rất quan trọng đặc biệt đối với mô xương, chúng có tỷ lệ hài hoà với nhau và nếu một trong hai yếu tố tăng sẽ gây giảm sự hấp thu và tăng đào thải yếu tố kia. Khi uống nhiều nước ngọt, lượng Phospho tăng sẽ làm giảm nồng độ Calci trong cơ thể và tăng đào thải Calci qua nước tiểu gây ra loãng xương và nguy cơ sỏi thận, suy thận.
Còn đối với các chất tạo màu trong nước ngọt, tuy chưa có các bằng chứng cụ thể và các nhà sản xuất luôn phủ nhận tác hại của chúng đối với sức khoẻ con người, các nhà khoa học luôn khuyến cáo các tác hại của chúng với người tiêu dùng. Một bài báo được đăng tải trên CBSnews.com vào năm 2012 chia sẻ: "Trung tâm Khoa học vì quyền lợi cộng đồng Mỹ (CSPI) cho biết màu Caramel trong nước ngọt có gas là nguyên nhân gây ra 15.000 ca ung thư tại Mỹ”.
Các hãng nước ngọt một mực phủ nhận cáo buộc này, mặc dù vậy họ dường như ngay lập tức thay đổi công thức trong nước ngọt nhằm giảm nồng độ chất tạo màu 4-Methylimidazole (4-MI). Đây là chất tạo màu phổ biến nhất sử dụng trong sản xuất nước ngọt hiện nay.
Với nhiều tác hại cho cơ thể, bác sĩ Ngọc Diệp đưa ra một số lời khuyên hữu ích cho người dân khi sử dụng nước ngọt đóng chai:
Bệnh nhân béo phì, bệnh nhân đang điều trị các bệnh lý về tim mạch, nội tiết (tăng huyết áp, đái tháo đường), suy thận cần tuyệt đối không sử dụng nước ngọt để tránh ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
Tình trạng thừa cân béo phì gia tăng và chiếm hơn 40% trẻ em tuổi tiểu học ở TP.HCM và nhiều đô thị lớn. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng đặc biệt là sở thích uống nước ngọt của trẻ.
Thay vì sử dụng nước ngọt đóng chai hãy uống các nước ép tự nhiên từ hoa quả.
Khi cần thiết, hãy tham khảo chế độ dinh dưỡng từ các chuyên gia dinh dưỡng.
Theo News.zing