Tết nguyên tiêu xưa và nay của người Việt
 -  8.120 Lượt xem
(Doanh nhân thời đại) “Cúng cả năm không bằng ngày rằm tháng Giêng” là câu nói cửa miệng của người Việt mỗi khi tới ngày này
Rằm tháng Giêng hay còn gọi Tết Nguyên Tiêu, là ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới. Ngày này, nhiều vùng miền trên cả nước, đặc biệt là miền Bắc và miền Trung thường tổ chức lễ hội lớn, các Chùa thì tổ chức lễ cầu an cho các phật tử… Vậy ngày Tết Nguyên Tiêu xuất phát từ đâu và tại sao lại có nét văn hóa này? phong thủy gia Linh Quang chia sẻ:
Nguồn: internet
Có truyền thuyết cho rằng, Tết Nguyên Tiêu bắt nguồn từ Trung Hoa và phát triển thịnh nhất vào đời Đường. Dưới sự tôn sùng của Hoàng đế, Tết Nguyên Tiêu ngày càng phô trương và xa hoa. Vào ngày này, nhà nhà thường treo đèn lồng, kết hoa, đặc biệt tại các chùa chiền tổ chức “đốt đèn tỏ Phật”, là ngày tốt lành để các chúng tăng tập trung lại chiêm ngưỡng Xá Lợi Phật và ngắm Phật. Lúc đầu thịnh hành tại cung đình, sau truyền ra dân gian và vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm, từ giới quý tộc đến thứ dân đều treo đèn sáng suốt đêm từ thành thị tới nông thôn. Sau đời Đường thì phát triển mạnh thành ngày lễ vui chơi thả cửa mang tính toàn dân. Và cũng từ đó phong tục này truyền sang người Việt. Tại đất nước Việt Nam, các chùa chiền thường tổ chức các lễ cầu an, các làng xã tổ chức lễ hội cúng bái cho một mùa màng bội thu, người dân thì nô nức đi hội để vui chơi thỏa thích.
Nguồn: internet
Theo một truyền thuyết khác của người Việt, vào dịp rằm tháng Giêng, bà con nông dân khẩn trương chuẩn bị cho công việc đồng áng, nên tối ngày 15/1 âm lịch là thời điểm ra đồng ruộng, tập trung cỏ khô, lá khô, châm lửa tiêu hủy sâu bọ. Một số ý kiến khác cho rằng rằm tháng Giêng bắt nguồn từ hoạt động của Phật giáo. Vào ngày này, chư Tăng tập trung đông đủ để nghe Phật thuyết Pháp. Bởi vậy, những người theo đạo Phật dùng ngày này để tưởng nhớ đến đức Phật. Khi chùa chiền được sinh hoạt tín ngưỡng, được sửa chữa trùng tu nhất là ý thức tìm về những giá trị truyền thống của tổ tiên thông qua các lễ hội văn hóa được đánh thức, việc tham dự đông đảo các lễ hội như hội rằm tháng Giêng là điều bình thường. Vấn đề kinh tế tác động lên tâm lý của người dân Việt Nam khiến họ quan tâm đến cầu nguyện chỉ là một trong những nguyên nhân thứ yếu. Nguyên nhân chính yếu vẫn là xuất phát từ nhu cầu tìm về những giá trị tâm linh đạo đức truyền thống và mong cầu sự phát triển bền vững trên nền tảng đạo đức và tuệ giác Phật giáo của người dân. Ngày nay, cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, cách đón ngày rằm của người dân cũng ít nhiều thay đổi. Bên cạnh việc đi lễ chùa, các gia đình sắm sửa lễ cúng rằm tháng Giêng tại gia đình. Tùy theo tín ngưỡng và ngành nghề, có gia đình lễ bái chư Phật, có gia đình cúng thổ công, thần tài... Tuy nhiên, trong ngày rằm tháng Giêng nhà nào cũng phải có lễ cúng gia tiên để bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ, cảm ơn trên đã phù hộ cho con cháu an lành, làm ăn khá giả.
Tháng Giêng cũng được gọi là “tháng ăn chơi” của người Việt. Xưa kia vào tháng này, đa số chỉ tập trung vào việc lễ hội cúng bái, vui chơi suốt tháng và phải từ tháng 2 trở đi mới bắt tay vào làm việc đồng áng trở lại. Điều này tuy rằng là nét văn hóa cổ truyền nhưng chỉ thích hợp với nền lúa nước ngày xưa. Ngày nay, theo sự hiện đại hóa, công nghiệp hóa cần phải tích cực làm việc để tạo ra nhiều giá trị gia tăng, nhưng nhiều người vẫn vin vào cái cớ đó để vui chơi mà quên đi nhiệm vụ chính phải làm, dẫn tới ảnh hưởng đến hiệu suất lao động chung của cả quốc gia, nhất là một số cán bộ lãnh đạo nhà nước vẫn còn tranh thủ để rong chơi mà quên đi phần trách nhiệm của bản thân, dẫn tới gây ảnh hưởng tới công việc điều hành phát triển chung nơi địa phương và lĩnh vực mình quản lý. Đây có thể được xem là một vấn nạn không nên cổ xúy cho nó mà cần được bài trừ một cách mạnh mẽ để tránh tạo hiệu ứng chung xấu và làm tiền lệ cho cả nhiều thế hệ về sau.
Theo Phong thủy Linh Quang