Thách thức mới của Disney
 -  6.525 Lượt xem
(Doanh nhân thời đại) Thay vì hỏi: "Bản "làm lại" (remake) sẽ giữ lại bao nhiêu phần trăm của bản gốc?", đã đến lúc đổi câu hỏi thành: "Chúng sẽ khác biệt nhiều đến đâu?".
Đấy là thách thức mà The Lion King (Vua sư tử) và những bản phim remake của Disney sẽ phải đối mặt, The Hollywood Repoter nhận định.
"Mỏ vàng" của Disney
Vào lễ Tạ ơn vừa qua, Disney gây xôn xao cộng đồng mạng khi ra mắt đoạn teaser của bộ phim remake The Lion King. Đoạn teaser ngay lập tức phá vỡ các kỷ lục về lượt xem, trở thành video quảng cáo phim được xem nhiều thứ hai, chỉ sau Avengers: Infinity War. Đạo diễn của bản phim mới này là Jon Favreau. Ông từng gặt hái thành công với bản remake The Jungle Book (Cậu bé rừng xanh - 2016), thu về 966,6 triệu USD trên toàn thế giới.
Chắc chắn sự kết hợp giữa hoài niệm và nhiệt huyết đến từ dàn diễn viên lồng tiếng có Donald Glover và ca sĩ Beyoncé sẽ giúp The Lion King trở thành "hit" lớn khi ra rạp hè 2019.
Bên cạnh đó, Disney cũng sớm kiếm doanh thu cao ngất nhờ nỗ lực "vắt sữa" trên những kiệt tác hoạt hình nổi tiếng để tạo ra những bộ phim live-action (người đóng) được đầu tư hoành tráng, công phu về mặt kỹ xảo, hình ảnh, như Dumbo (Chú voi biết bay), Aladdin (Aladdin và cây đèn thần), Lady and the Tramp (Tiểu thư và chàng lang thang) ra mắt năm 2019 và Mulan (Hoa mộc lan) công chiếu năm 2020.
Cảnh trong phim "The Lion King" (bản gốc 1994)
Tuy nhiên, Disney vẫn gặp chướng ngại vật. Đoạn teaser của The Lion King cho thấy những khung hình mô phỏng từ những đoạn quá quen thuộc của phiên bản hoạt hình gốc. Với vai trò thử nghiệm thì nó khá thú vị, nhưng đây là một dự án lớn được đầu tư nghiêm túc.
Đạo diễn Jon Favreau có lẽ chưa tung ra "vũ khí bí mật" và những diễn viên lồng tiếng sẽ đem đến những cảm xúc mới, song The Lion King (2019) còn phải khắc phục nhiều sai sót để lọt vào danh sách số ít phim remake của Disney có thể thoát khỏi cái bóng của phiên bản gốc.
Kể từ Alice in Wonderland (Alice ở xứ sở thần tiên - 2010) là bộ phim mở màn cho xu hướng làm phim remake và tái chuyển thể của Disney, đã đến lúc cần xem xét lại Hãng đang thực sự cung cấp điều gì: một phiên bản làm lại đầy sống động hay chỉ đơn giản là khơi dậy ký ức? Trong khi đa số hãng khác thường thất bại với những dự án remake và tái chuyển thể (trừ A Star is Born của năm nay là một ngoại lệ) thì Disney lại thường xuyên hốt bạc.
Disney đã thành công trong việc đánh vào tâm lý những khán giả muốn hoài niệm quá khứ, hoặc có thể người ta tò mò xem những bộ phim kinh điển sẽ được làm lại thế nào. Thế nên những phim remake của Disney luôn ở trong danh sách được mong đợi nhất.
Bất kỳ từ khóa tìm kiếm nào của The Lion King cũng sẽ khiến khán giả chia sẻ lòng nhiệt huyết cho bộ phim sắp tới, gắn liền với tình cảm họ dành cho bản gốc năm 1994. Rất nhiều khán giả trưởng thành ngày nay từng lớn lên cùng với những bộ phim của Disney. Disney biết điều này, vì vậy, những kế hoạch làm lại của Hãng là tạo ra những phim hay có vai trò làm sống lại tuổi thơ của nhiều thế hệ người hâm mộ trên toàn thế giới.
Không thể "sống" mãi với ký ức
Nhưng cũng không phải vì Disney là một phần thời thơ ấu mà khán giả không thể ngán nó. Những phim remake của Disney như The Jungle Book (2016) và Beauty and the Beast (Người đẹp và quái vật - 2017) rất tuyệt vời, song Hãng đã không có những bước đi táo bạo, dù có thêm chi tiết mới.
Cinderella (Lọ Lem - 2015) có cách kể chuyện tương tự bản gốc năm 1950 nhưng cách xây dựng nhân vật tiến bộ hơn hẳn. Diễn viên Lily James đã khiến Lọ Lem trở nên đầy sức sống và có chiều sâu hơn - điều mà các bản tái chuyển thể không làm được. Cinderella (2015) không quá nhấn mạnh vào sự mầu nhiệm của đôi giày thủy tinh, thay vào đó là cảm xúc của các nhân vật.
Maleficent (Tiên hắc ám - 2014), The Jungle Book (2016) và Beauty and the Beast(2017) đều có những điểm sáng, nhưng những nhà làm phim chưa làm nổi bật tính phức tạp của nhân vật cho phù hợp với phim người đóng. Và cốt truyện vắn tắt thích hợp với hoạt hình không nên dùng cho phim người đóng.
Disney cũng thử nghiệm thay đổi những câu chuyện trong bản remake để gần gũi hơn với khán giả người lớn và vị thành niên từng lớn lên với phim hoạt hình. Như Alice in Wonderland (2010) đã xây dựng một Alice trưởng thành quay trở về xứ sở diệu kỳ để thoát khỏi xã hội ngột ngạt.
Nhưng đạo diễn Tim Burton - từng thành công với Big Fish - một truyện cổ tích cho người lớn xuất sắc nhất, đã không thể xoay xở được theo cách của ông trong Alice in Wonderland, dù vẫn kiếm được hơn 1 tỷ USD trên toàn thế giới và ra tiếp phần 2 Alice through the looking glass (2016) - "bom xịt" duy nhất trong danh sách phim remake của Disney.
Cảnh trong phim Christopher Robin (2018)
Bộ phim remake Christopher Robin của năm nay thành công hơn về mặt sáng tạo, dù chỉ thu về 197,1 triệu USD toàn cầu, do gấu Pooh không được yêu thích ở Trung Quốc. Biến Christopher Robin thành một người ở tuổi trưởng thành, đã trải qua cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2 và bước vào guồng quay cuộc sống với cơm áo gạo tiền, cho phép đạo diễn Marc Forster "ra lò" một thành phẩm sâu sắc và buồn man mác, mặc cho sự có mặt của số lượng lớn con vật được nhân cách hóa đầy hài hước.
Christopher Robin thể hiện chính xác những gì mà những phim remake và tái chuyển thể của Disney cần có sau này: dẫn dắt người xem trở về với những kỷ niệm thời thơ ấu, nhưng không phải để hoài niệm, tiếc nuối mà để trân trọng và tiến về phía trước.
Hiện tại, chưa có bộ phim remake hay tái chuyển thể nào của Disney thất bại về doanh thu. Điều đó tạo cơ hội thuận lợi cho họ thử nghiệm và sáng tạo những yếu tố mới mẻ. Với Dumbo, Aladdin, Lady and the Tramp, The Lion King ra rạp vào năm 2019, Disney có thể không lấy lại được phép mầu nhiệm của quá khứ, nhưng có thể sáng tạo những phép mầu mới. Và 2019 là năm để xem Disney mang chúng đến như thế nào?