Đừng vội tự phụ khi thấy bản thân xuất sắc và xứng đáng làm sếp hơn cấp trên
 -  4.920 Lượt xem
(Doanh nhân thời đại) “Nếu bạn nghĩ rằng mình có thể thay thế cấp trên và làm công việc của họ tốt hơn thế, thì có thể bạn không thực sự biết rõ công việc của họ là gì, và điều đó có nghĩa là bạn chưa sẵn sàng trở thành nhà lãnh đạo”.
Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta từng ít nhất một lần nhìn vào cấp trên của mình và thầm nghĩ: "Mình cũng có thể làm được công việc của anh ấy".
Kể cả khi chúng ta yêu quý người ấy thế nào đi nữa thì cũng có đôi lúc cảm thấy mình làm việc quá tốt mà lại không được công ty tạo cơ hội để thể hiện bản thân, chúng ta có thể nghĩ rằng: "Mình còn có thể làm công việc ấy tốt hơn anh ta".
Về mặt cá nhân, tôi có thể thừa nhận là mình đã nghĩ như vậy nhiều hơn một lần. Và ai mà biết được có bao nhiêu người làm việc cho tôi cũng từng nhìn vào tôi mà tự nhủ: "Gã đó đang làm gì vậy? Mình hoàn toàn có thể ngồi vào vị trí ấy và làm tốt hơn thế".
Những suy nghĩ đó không làm cho chúng ta trở nên kiêu căng hay ngạo mạn, nhưng có thể đánh bay sự kiên nhẫn và hiểu biết nhiều hơn chúng ta tưởng. Trớ trêu thay, cái nhìn sâu sắc về chủ đề này của tôi lại đến từ một người từng làm việc dưới trướng mình, và đã thay thế vị trí của tôi khi tôi rời khỏi công ty. Giờ đây, dựa trên kinh nghiệm "đau thương" của bản thân, anh ấy luôn nhắc nhở mọi người: "Nếu bạn nghĩ rằng mình có thể thay thế cấp trên và làm công việc của họ tốt hơn thế, thì có thể bạn không thực sự biết rõ công việc của họ là gì, và điều đó có nghĩa là bạn chưa sẵn sàng trở thành nhà lãnh đạo".
Những gì bạn nhìn thấy chỉ là "bề nổi của tảng băng chìm"
Một trong những sai lầm lớn nhất mà anh chàng ấy nhận ra là nghĩ rằng có thể làm công việc của tôi - phần "bề nổi" của công việc mà anh ta có thể nhìn thấy.
Điều mà anh bạn nhận ra ngay sau đó không lâu là "phần chìm" khó có cơ hội thấy được – đó là các vấn đề liên quan đến chính trị, các cuộc họp lãnh đạo cấp cao, yêu cầu đa năng và những thứ không kém phần thú vị khác.
Điểm mấu chốt là những nhà lãnh đạo giỏi không bao giờ "phô bày" toàn bộ công việc mà sẽ làm sao để cấp dưới lầm tưởng rằng mình không đủ khả năng giải quyết chúng. Bằng cách ấy, nhân viên sẽ phải "động não" hơn, chủ động nâng cao nhận thức và khả năng giải quyết vấn đề của họ hơn.
Vậy bạn nên làm gì trong trường hợp này?
Nếu bạn cảm thấy bị mắc kẹt vì không có cơ hội thử sức với công việc của một lãnh đạo, điều quan trọng nhất mà bạn có thể làm trong trường hợp này là cố gắng học hỏi và tìm hiểu về công việc thực sự từ cấp trên của mình càng nhiều càng tốt.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo những cố vấn nắm giữ vai trò lãnh đạo tương đương trong hoặc ngoài công ty, họ có thể cung cấp nhiều thông tin hữu ích về những gì bạn ít có cơ hội nhìn thấy.
Khi làm được những điều đó, một cách từ từ, bạn sẽ dần nhận thấy mình trở nên kiên nhẫn hơn trên con đường phát triển sự nghiệp. Biết đâu khi bạn thay đổi suy nghĩ, không chắc liệu mình có thể thực sự làm tốt công việc lãnh đạo bằng sếp của mình hay không, lại là lúc bạn đã sẵn sàng cho vị trí ấy.
Theo Trí Thức Trẻ/inc-asean/CFbiz