Không có doanh thu bán và thuê lại máy bay, Vietjet Air trình làng vũ khí đáng sợ hơn: Bán quyền mua máy bay, lãi lên đến 5 triệu USD/chiếc

Ngày 14/05/2019

 -  5.135 Lượt xem

(Doanh nhân thời đại) Nhờ đặt mua máy bay số lượng lớn, Vietjet Air được chiết khấu 40-60% giá niêm yết và sau đó bán quyền mua máy bay cho các công ty cho thuê máy bay. Hoạt động này có doanh thu thấp hơn 24% so với cùng kỳ năm trước nhưng lại đem về lợi nhuận cao hơn 23%.

Hãng hàng không Vietjet Air đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2019 với doanh thu đạt 13.636 tỷ đồng, tăng trưởng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

Cơ cấu doanh thu của Vietjet Air quý 1 năm nay gồm doanh thu vận chuyển hành khách đạt 7.247 tỷ đồng, doanh thu hoạt động phụ trợ 2.647 tỷ đồng và doanh thu chuyển giao sở hữu, quyền sở hữu và thuê tàu bay là 3.565 tỷ đồng.

Trong các mảng doanh thu trên, chỉ có doanh thu chuyển giao sở hữu, quyền sở hữu và thuê tàu bay là giảm so với cùng kỳ năm trước, trong khi 2 mảng doanh thu còn lại tăng tương ứng 20% và 45%.

Nguyên nhân là do trong quý 1 năm ngoái, Vietjet Air bán & thuê lại máy bay đạt doanh thu 4.678 tỷ đồng, trong khi quý 1 năm nay không có khoản doanh thu này. Thay vào đó, Vietjet Air lần đầu tiên phát sinh doanh thu nhượng quyền thương mại, với giá trị 3.565 tỷ đồng.

Không có doanh thu bán và thuê lại máy bay, Vietjet Air trình làng vũ khí đáng sợ hơn: Bán quyền mua máy bay, lãi lên đến 5 triệu USD/chiếc - Ảnh 1.

Doanh thu nhượng quyền thương mại là doanh thu từ bán đặc quyền mua máy bay cho bên cho thuê máy bay.

Theo số liệu của một công ty chứng khoán, với việc đặt mua số lượng lớn máy bay từ 50-100 chiếc cho mỗi đơn hàng, Vietjet có thể nhận được chiết khấu lớn từ 40-60% giá niêm yết. Chẳng hạn, giá niêm yết máy bay Airbus A321neo là 129,5 triệu USD (trên bảng giá năm 2018, Vietjet đã ghi nhận chi phí mua vào khoảng 42-45 triệu USD), tương đương mức chiết khấu khoảng 65%.

Nhờ có lợi thế này, Vietjet có thể bán quyền mua những chiếc máy bay cho người mua khác (các đối tác chuyên cho thuê máy bay) với giá cao hơn. Được gọi là bán quyền mua hoặc bán đặc quyền mua máy bay. Trên thực tế, trong quý 1 năm nay, công ty đã hạch toán 3.565 tỷ đồng doanh thu thuần từ hoạt động này. Ước tính, đây là doanh thu từ bán quyền mua của tổng cộng 8 máy bay. Doanh thu này bù đắp cho sự sụt giảm ở doanh thu bán & thuê lại máy bay.

Lợi nhuận từ quyền mua máy bay đạt 923,7 tỷ đồng với tỷ suất lợi nhuận gộp rất cao là 25,9%, trong khi hoạt động bán và thuê lại máy bay quý 1 năm ngoái đạt 752,4 tỷ đồng lợi nhuận. Có thể thấy, việc bán quyền mua máy bay có doanh thu thấp hơn, nhưng lại có lợi nhuận cao hơn so với bán và thuê lại máy bay.

Theo ước tính của công ty chứng khoán, lợi nhuận từ việc bán quyền mua máy bay là khoảng 5 triệu USD/máy bay, trong khi lợi nhuận từ hoạt động bán và thuê lại máy bay là 8-8,5 triệu USD/máy bay.

Tính đến cuối quý 1/2019, Vietjet Air có 65 máy bay, sau khi nhận thêm 2 chiếc máy bay Airbus A321neo vào tháng 1 và trả lại 1 máy bay thuê ướt sau dịp Tết nguyên đán vào tháng 2.

Nguồn phát hành: CafeF/Trí thức trẻ

Khóa đào tạo giám đốc tài chính thực chiến VBI Group

Địa chỉ bán bưởi hồ lô giá tốt ở Sài gòn - Shop bưởi hồ lô tài lộc Bình Thạnh

Khóa đào tạo Giám đốc Điều hành Thực chiến VBI Group