Làm gì để lấy lại thiện cảm khi sếp không ưa bạn?

Ngày 11/05/2019

 -  5.151 Lượt xem

(Doanh nhân thời đại) Học cách quan sát và nhanh chóng hành động phù hợp với những ưu tiên của sếp sẽ giúp bạn lấy lại niềm tin nơi ông chủ trước khi quá muộn.

Chắc hẳn không ít người đã từng hoặc đang phải làm việc với người sếp không có thiện cảm và không thích làm việc cùng mình. Có nhiều nguyên nhân từ chủ quan đến khách quan dẫn đến điều này và nếu không hành động sớm để điều chỉnh nhận thức tiêu cực đó thì bạn sẽ mất dần cơ hội lấy lại niềm tin nơi ông chủ. Một khi gặp rắc rối hoặc bất đồng với nhóm, sếp sẽ khó có thể nhìn thấy mặt tốt của bạn mà thay vào đó, những thiếu sót lại gây được sự chú ý của họ.

Vậy trước khi quá muộn, làm thế nào để lấy lại thiện cảm và niềm tin nơi sếp?

Tìm kiếm các dấu hiệu cảnh báo

Trong mắt sếp, đâu là dấu hiệu của một nhân viên lạc lối? Nếu sếp bắt đầu mất niềm tin vào bạn, họ sẽ trở nên rất nguyên tắc và khắt khe hơn trong những hướng dẫn của mình. Khi đó, ông chủ thường dành những câu nói như: "Hãy chắc chắn rằng bạn làm x, y và z khi đang hoàn thiện dự án này!" hay "Từ nay tôi muốn bạn đến các buổi họp sớm hơn!".

Làm gì để lấy lại thiện cảm khi sếp không ưa bạn? - Ảnh 1.

Ông chủ cũng sẽ bắt đầu kiểm tra thường xuyên để xem bạn đã tiến bộ như thế nào. Nếu sếp chen ngang vào phần trình bày của bạn hay bạn không còn được mời tham gia vào những buổi họp, gặp gỡ thì đó chính là một dấu hiệu đáng sợ. Bạn có thể bị nhận những phản hồi tiêu cực và được đưa vào kế hoạch cải thiện hiệu suất trong khoảng 30 đến 90 ngày. Nếu không thể hiện tốt, bị sa thải là điều hoàn toàn có khả năng.

Nhanh chóng hành động

Hãy chú ý đến lần đầu tiên mà những chỉ dẫn của sếp trở nên khắt khe và quy tắc hơn. Nếu vẫn nằm trong "vùng có thể tha thứ" có nghĩa bạn còn có thể lấy lại niềm tin từ họ thông qua các hành động khắc phục nhanh chóng.

Bạn có thể trực tiếp hỏi xem điều gì khiến sếp đưa ra những phản hồi tiêu cực và cách họ xử lý khác đi trong những tình huống đó. Điều quan trọng ở chỗ hãy lắng nghe cẩn thận và nghiêm túc bởi những gì ông chủ nói chính xác là cách tiếp cận hoặc những ưu tiên mà họ thực sự muốn bạn tập trung vào.

Sau đó, điều chỉnh quy trình làm việc để đáp ứng mong đợi của sếp và đảm bảo họ dễ dàng nhận ra biểu hiện, hành vi mới hoặc sự đề cao của bạn đối với những ưu tiên, kỳ vọng họ đặt ra.

Làm gì để lấy lại thiện cảm khi sếp không ưa bạn? - Ảnh 2.

Việc này đôi khi không thật chính đáng với bạn nhưng điều quan trọng cần nhớ là nếu muốn thành công trong công việc, bạn cần luôn có trách nhiệm và khả năng thích nghi với sếp của mình.

Hiểu những ưu tiên của sếp

Nguyên nhân khiến bạn trở thành một nhân viên lạc lối thường bắt đầu bằng một sự kiện. Đối với ông chủ, có thể vì bạn đã không dành đủ thời gian để đóng góp cho công ty. Hoặc thậm chí khi đã đạt được mục tiêu về doanh thu nhưng sếp lại kỳ vọng bạn có thể vượt qua mốc đó.

Mặt khác, việc đến cuộc họp muộn mười phút mà không có lý do chính đáng, không báo trước hay khi sếp muốn có báo cáo tóm tắt đơn giản trong một trang nhưng bạn lại đưa ra bài thuyết trình hai mươi trang đều bị coi những dấu hiệu của việc thiếu tôn trọng và thiếu lắng nghe.

Làm gì để lấy lại thiện cảm khi sếp không ưa bạn? - Ảnh 3.

Ngay khi bắt đầu làm việc với ông chủ mới, một trong điều cần được quan tâm là hiểu được ưu tiên của họ. Tốt nhất, bạn nên hỏi trực tiếp về những ưu tiên, tiêu chuẩn của sếp đối với hiệu suất hay tiêu chí nào bạn luôn luôn phải tính đến trong quyết định của mình?

Bạn cũng nên hỏi xem sếp muốn làm việc theo phong cách, cách thức nào. Cụ thể như tần suất gặp mặt, các công cụ báo cáo, liên lạc và cách họ đánh giá hiệu suất của bạn.

Quan sát những tín hiệu phi ngôn ngữ

Tất nhiên, không phải ông chủ nào cũng sẵn lòng và có thể truyền đạt hết những gì được coi là quan trọng hay ưu tiên của mình. Bởi vậy mà bên cạnh việc hỏi trực tiếp, bạn nên quan sát phong cách, hành động, thái độ của họ trong những buổi họp để biết điều gì làm sếp khó chịu hay hài lòng, khen ngợi. Không chỉ vậy, bạn cũng cần xem xét những cá nhân được sếp đánh giá cao và tự hỏi lý do tại sao, từ đó rút ra kinh nghiệm cho chính mình.

Làm gì để lấy lại thiện cảm khi sếp không ưa bạn? - Ảnh 4.

Thêm nữa, văn phòng của sếp cũng có thể giúp ích cho bạn bởi đây là nơi phản ảnh cuộc sống, nhu cầu của họ đối với tổ chức hay thậm chí là những sở thích cá nhân. Nếu ông chủ có một trợ lý hành chính, hãy hỏi để hiểu hơn về phong cách và con người sếp.

Một trong những yếu tố phân biệt các cá nhân thành công trên con đường sự nghiệp chính là hiểu được tại sao sếp hành động theo cách họ đang làm. Hãy nhớ rằng tất cả các ông chủ đều muốn thành công theo cách riêng của mình và nhiệm vụ của bạn là tìm ra phương thức giúp họ đạt được điều đó đồng thời thích nghi một cách chu đáo.

 

Nguồn phát hành: Nhịp Sống Kinh Tế

Khóa đào tạo giám đốc tài chính thực chiến VBI Group

Địa chỉ bán bưởi hồ lô giá tốt ở Sài gòn - Shop bưởi hồ lô tài lộc Bình Thạnh

Khóa đào tạo Giám đốc Điều hành Thực chiến VBI Group