Tạo dựng thương hiệu bằng scandal: Mạo hiểm, hiệu quả nhưng phải cẩn thận
 -  13.250 Lượt xem
(Doanh nhân thời đại) Một chuyên gia được mời đến để tư vấn xây dựng thương hiệu cho công ty, đề xuất chiến lược của ông khiến tất cả sững sờ.
Một công ty mời một chuyên gia trong lĩnh vực marketing tới để giúp công ty xây dựng thương hiệu. Công ty nóng lòng muốn áp dụng các biện pháp marketing mới và đề xuất những ý tưởng quảng cáo táo bạo. Khi chuyên gia hỏi công ty có muốn quảng cáo cho một dòng sản phẩm cụ thể nào không? Công ty trả lời rằng không, chỉ cần đánh bóng tên tuổi và nhận diện thương hiệu là được. Vị chuyên gia marketing liền mỉm cười: "Vậy cách tốt nhất là hãy tạo một scandal".
Tạo scandal để đánh bóng thương hiệu, tại sao không?
Marketing bằng scandal là cách tạo ra những việc làm tai tiếng khiến dư luận quan tâm và thông qua việc này, tên tuổi doanh nghiệp không chỉ nghiễm nhiên được truyền thông nhắc đi nhắc lại với tần suất dày đặc, mà còn vô hình in sâu vào tâm trí người tiêu dùng.
Tuy nhiên, nhiều người biết đến thương hiệu chỉ là bước đầu tiên và thường là bước dễ nhất. Bản thân việc đến biết đến không quyết định một thương hiệu có thành công hay không.
Bước thứ hai là phân biệt thương hiệu qua những sự khác biệt. Sự khác biệt đó có thể là chất lượng, hình ảnh, lối sống, phong cách… Bản thân sự khác biệt trong nhận thức cũng chưa tạo ra giá trị vì khách hàng chưa chắc thích sự khác biệt đó đủ lớn để có khác biệt trong hành động. Thậm chí có nhiều sự khác biệt khiến cho khách hàng tránh xa thương hiệu đó.
Đây chính là con dao hai lưỡi mà việc quảng cáo thông qua scandal cần lưu ý!
Bước thứ ba là tạo ra sự khác biệt trong hành động của khách hàng. Lợi nhuận chỉ đến khi khách hàng mua hàng của công ty, tạo ra doanh thu. Nhưng giá trị này cũng không bền vững nếu khách hàng không chọn lựa thương hiệu đó trong dài hạn. Các công ty phải tiếp tục đưa ra các chính sách phù hợp để tạo thói quen mua hàng thường xuyên, biến khách hàng đó thành một khách hàng trung thành. Đến lúc đó thì thương hiệu của công ty mới có giá trị bền vững.
Vậy lợi và hại của việc quảng cáo và mở rộng hơn, là nổi tiếng thông qua scandal là gì?
Được và mất trong việc dùng scandal để nổi tiếng
Scandal sẽ khiến nhiều người biết đến thương hiệu cá nhân. Điển hình là có thể kể đến những phát ngôn gây sốc của CEO Nguyễn Tử Quảng về điện thoại thông minh B-phone như: "đẹp nhất thế giới" "an toàn nhất thế giới" hay sự vụ lùm xùm của Vietjet Air khi cho người mẫu mặc đồ gợi cảm đón tiếp các cầu thủ U23 Việt Nam. Mặc dù nhận không ít "gạch đá" từ thiên hạ nhưng không thể phủ nhận một điều rằng có thêm nhiều người biết đến Bphone và Vietjet Air sau sự kiện này.
Vietjet Air với dàn "mỹ nữ" đón chào các cầu thủ U23 Việt Nam từng gây bức xúc xã hội
Tuy nhiên scandal lại rất khó thành công ở các bước sau vì tạo cảm giác tiêu cực. Tuy nhiên Vietjet Air đã có một độc chiêu để vô hiệu hóa cảm giác tiêu cực đó: giá rẻ. Bphone còn cao tay hơn khi nhấn mạnh vào chi tiết rằng đây là chiếc điện thoại "made in Vietnam". Mọi người sẽ nhanh chóng bỏ qua những hồ nghi ban đầu và chấp nhận những sản phẩm này bởi tâm lý: đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại.
Bphone của CEO Nguyễn Tử Quảng
Quay lại ví dụ về chuyên gia marketer tài ba kể trên, vị này khuyên công ty có thể thực hiện việc này một cách kín đáo khiến không ai nghi ngờ. Nếu đó chỉ là những vụ việc nhỏ, không quá gây phản cảm, trong tầm kiểm soát, ví dụ như các phát ngôn gây tranh cãi hay mâu thuẫn, thì việc tạo ra scandal có thể khiến doanh nghiệp đạt được mục đích làm nổi bật mình. Sau đó bằng chất lượng sản phẩm và khả năng vận hành, công ty có thể lấy lại thiện cảm người tiêu dùng và phát triển bền vững!
Theo Trí Thức Trẻ