Doanh nghiệp ngành mía đường: Làm sao gia tăng sức cạnh tranh?
 -  6.377 Lượt xem
(Doanh nhân thời đại) Doanh nghiệp ngành mía đường có thể gia tăng sức cạnh tranh bằng cách tập trung đầu tư cho công nghệ, hiện đại hóa quá trình sản xuất và tăng cường hợp tác, mở rộng quy mô, tìm kiếm sự đồng hành của nhà đầu tư nước ngoài...
Bằng chứng, sau hàng loạt thương vụ đầu tư, M&A với nhiều công ty mía đường, TTC Group đã dẫn đầu ngành đường Việt Nam với thị phần nội địa xấp xỉ 40%, 9 nhà máy đường của Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT) có công suất chiếm 33% tổng công suất nhà máy đường cả nước.
SBT cũng đã nâng diện tích mía lên 62.000ha, chiếm 1/4 vùng nguyên liệu cả nước. Vùng nguyên liệu của SBT hiện cho công suất 70 tấn/ha (bằng với Ấn Độ, Trung Quốc và cao hơn trung bình ngành mía thế giới). Đáng chú ý, từ năm 2018, SBT còn xuất khẩu vào Mỹ, với khối lượng khởi động 29 tấn đường.
SBT cũng đẩy mạnh cơ cấu lại sản phẩm theo hướng đa dạng và hình thành chuỗi khép kín giá trị. Đối với đường, sản phẩm của Công ty bao gồm đường tinh luyện cao cấp, đường RS vàng (đường Organic, đường vàng khoáng chất và tự nhiên), đường lỏng Syrup và Syrup Flavour, đường thỏi, đường que, đường phèn RE, đường ăn kiêng Isomalt.
Mở rộng sang các loại đường cao cấp phục vụ cho những phân khúc khách hàng khó tính đang là hướng đi mới của SBT để tiếp tục chiếm lĩnh thị phần khách hàng trung lưu trở lên và nâng tầm thương hiệu SBT. Đối với sản phẩm cạnh đường, sau đường như mật rỉ, điện thương phẩm, nước đóng chai Miaqua, phân vi sinh hữu cơ và bã mía, SBT cũng ưu tiên nghiên cứu. Sau 5 năm chuẩn bị, giờ đây SBT tự tin đã có thể cạnh tranh về giá và chất lượng với đường Thái Lan.
Công ty CP Mía đường Lam Sơn (LSS) cho biết đã chuẩn bị cho ATIGA từ nhiều năm nay. LSS tập trung tạo các giống mía mới, đổi công nghệ chế biến đường, chú trọng những vùng nguyên liệu có diện tích lớn. Bên cạnh đó, Công ty đặt mục tiêu sản xuất nhiều sản phẩm mới, có giá trị tăng cao từ mía đường.
Công ty CP Mía đường Sơn La (SLS) đối phó với khó khăn trước mắt bằng cách đa dạng hóa nguồn thu. Cụ thể, ngoài doanh thu từ đường, mật rỉ, SLS còn kinh doanh thuốc trừ sâu. Doanh thu thuốc trừ sâu của SLS đã tăng 160% trong niên vụ vừa qua. Nhưng vì thuốc trừ sâu có biên lợi nhuận thấp, nên 80,6% lợi nhuận gộp của SLS là từ đường, mật rỉ.
Về lâu dài, các doanh nghiệp đường vẫn lạc quan khi nhìn vào mức tiêu thụ đường trên đầu người Việt Nam mới đạt 17,5kg năm 2017, thấp hơn rất nhiều so với Philippines (23,5kg), Indonesia (24,6kg), Thái Lan (43,4kg), Malaysia (57,9kg). Hãng kiểm toán PwC dự báo đến năm 2026, tiêu thụ đường bình quân đầu người Việt Nam sẽ đạt 26kg.
Các doanh nghiệp cũng hy vọng vào những sản phẩm sau đường. Chẳng hạn, theo nội dung trình bày tại Hội nghị Tổng kết 22 năm ngành mía đường Việt nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra định hướng và giải pháp phát triển ngành mía đường theo hướng chuyên sâu, bên vững, sao cho 91% lượng bã mía dùng sản xuất điện, nâng tỷ lệ mật để sản xuất cồn lên 29%, tức 330.000 tấn. Định hướng dài hạn của Việt Nam còn là một nửa số nhà máy đường sẽ sản xuất phân vi sinh từ bã bùn, cung cấp khoảng 500.000 tấn mỗi năm.
Theo - DNSG