Việt Nam - thị trường xuất khẩu bông lớn nhất của Mỹ
 -  6.318 Lượt xem
(Doanh nhân thời đại) Năm 2017, Việt Nam được đánh giá là nhà nhập khẩu bông lớn nhất của Mỹ với kim ngạch đạt 1 tỷ USD, tương đương khoảng 30 triệu kiện hàng.
Cùng với thành quả của hoạt động xuất khẩu, với mức tăng trưởng mạnh qua từng năm, ngành dệt may Việt Nam cũng có kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu bông rất lớn. Vừa qua, tại sự kiện Cotton Day 2018 do Hiệp hội Bông Hoa Kỳ (CCI) và Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) tổ chức tại TP.HCM, các chuyên gia trong ngành dệt may đã cho biết, Việt Nam đang là nhà nhập khẩu bông lớn nhất của Mỹ với kim ngạch 1 tỷ USD trong năm 2017.
Xơ sợi, nguyên phụ liệu cũng đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất nhập khẩu của ngành dệt may Việt Nam. Ảnh: Cuộc thi ảnh Tự hào hàng Việt do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức
Bông nhập khẩu chủ yếu phục vụ cho ngành kéo sợi trong nước, sau đó không ít sản phẩm sợi lại được xuất khẩu sang các nước như Nhật, Mỹ, EU... và cả các thị trường mà Việt Nam đã nhập nguyên liệu.
Tính đến thời điểm này, không chỉ có Mỹ mà còn khá nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang là đối tác cung ứng nguyên liệu cho các lĩnh vực sản xuất của ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, Mỹ là trường hợp đặc biệt vì vừa là nhà cung ứng bông lớn, vừa là thị trường xuất khẩu lớn của ngành dệt may Việt Nam. Cụ thể, theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, 8 tháng của năm 2018, ngành dệt may Việt Nam đã xuất khẩu 19,76 tỷ USD, tăng 16,9%, tương ứng mức tăng 2,86 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng dệt may từ Việt Nam lớn nhất với trị giá 9,11 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 46,1% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước. Giữ vị trí thứ hai sau thị trường Mỹ là thị trường EU tiêu thụ 2,76 tỷ USD, tăng 11,7%. Nhật Bản với mức tiêu thụ 2,47 tỷ USD, trở thành nhà nhập khẩu lớn thứ ba của ngành dệt may Việt Nam.
Cũng theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính đến nay, Việt Nam nhập khẩu xơ sợi dệt các loại tăng 34,5% so với cùng kỳ. Nhập khẩu nhóm vải các loại trong 8 tháng của năm 2018 đạt 8,41 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong những năm gần đây, hoạt động xuất khẩu nguyên phụ liệu tăng đều qua từng năm.
Như vào năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với năm 2016, trong đó ngoài xuất khẩu sản phẩm dệt may, hoạt động xuất khẩu nguyên phụ liệu cũng tăng. Như xuất khẩu xơ sợi ước đạt 3,51 tỷ USD, tăng 19,9%; xuất khẩu vải không dệt đạt 472 triệu USD, tăng 13,73%; xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt may ước đạt 1,1 tỷ USD, tăng 17,3%.
Đánh giá tình hình hoạt động của ngành dệt may, đại diện Vitas cho biết, Việt Nam là một trong những nhà nhập khẩu bông lớn của Mỹ, do bông Mỹ có chất lượng tốt hơn bông của các nước khác và tương đối ổn định, thị trường bông ở nước này lại minh bạch nên tạo cơ hội thuận lợi cho nhà nhập khẩu hơn.
Thị trường châu Phi: Đầy tiềm năng cho doanh nghiệp Việt
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành, Vitas và CCI đã hợp tác với nhau. Ngoài tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu bông để phục vụ sản xuất cung ứng cho việc xuất khẩu của ngành, 2 tổ chức hội còn hướng đến nhiều hoạt động giúp ngành dệt may Việt Nam phát triển bền vững.
2 bên sẽ tổ chức các chuyến thăm các nhà máy tại các nước có ngành dệt may phát triển, đặc biệt là lĩnh vực kéo sợi, như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ... Về phía CCI, tổ chức này cũng cam kết hỗ trợ Việt Nam thực hiện các chương trình đào tạo nguồn lực cho ngành sợi và dệt nhuộm nhằm tạo ra bước đột phá cho ngành dệt may Việt Nam.
Theo đánh giá chung, dự kiến năm 2018 này, Việt Nam vẫn là nhà nhập khẩu bông lớn nhất của Mỹ. Tuy nhiên, để hỗ trợ các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam, Vitas đề nghị CCI phải có cơ chế tốt nhất cho thị trường Việt Nam trong việc nhập khẩu bông của họ. Theo Vitas, một trong những giải pháp có thể hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp Việt Nam là đề nghị phía Mỹ thiết lập các tổng kho ngoại quan bông Mỹ tại TP.HCM và Hải Phòng. Đồng thời cung cấp nguồn tài chính cho các nhà xuất khẩu dự trữ bông để doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận nguồn bông ổn định, nhanh chóng nhằm phục vụ sản xuất trong thời gian sớm nhất.
Theo DNSG