Tỷ giá sắp hết những ngày êm ả?

Ngày 23/05/2018

 -  6.319 Lượt xem

(Doanhnhanthoidai.vn) Dù giá USD tăng mạnh trên thị trường thế giới, song sự điều chỉnh trong nước vẫn ở mức khá khiêm tốn. Dù vậy, điều này có thể sẽ thay đổi và đặt ra nhiều thách thức trong việc ổn định thị trường ngoại hối cho giai đoạn tới.

Ảnh: Vladimir Solomyani

Theo đà tăng giá của đồng USD

Tăng liên tiếp 42 đồng chỉ trong vòng 3 ngày 16, 17 và 18/5, tỷ giá trung tâm USD/VND tính đến thời điểm 20/5 nằm tại 22.590 dồng, tăng thêm 51 đồng so tháng trước và  đánh dấu khả năng tháng thứ 2 tăng liên tiếp sau khi đã tăng 81 đồng trong tháng 4.

Mặc dù so với đầu năm, tỷ giá trung tâm chỉ mới tăng 165 đồng, tương đương 0,74%, còn cách khá xa mục tiêu 2%, nhưng những áp lực lên thị trường ngoại hối dự báo sẽ còn tăng trong những tháng còn lại của năm nay.

Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng cũng có dấu hiệu đi lên, với đồng USD mua vào và bán ra tại Vietcombank tăng 15 đồng so tháng trước và so với đầu năm tăng 80 đồng.

Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng mạnh hơn khi đã duy trì xu hướng tăng trong 4 tháng qua, với giá mua và bán tăng lần lượt 125 và 130 đồng so đầu năm, tương ứng tăng 0,55% và 0,57%.

Có thể thấy diễn biến thị trường ngoại hối trong nước khá đồng đều với sự phục hồi mạnh mẽ của đồng USD trên thị trường thế giới. Kể từ giữa tháng 4 đến nay, đồng USD đã tăng trở lại so với các ngoại tệ khác, với chỉ số USD Index dùng để đo sức mạnh đồng bạc xanh tăng từ mức thấp 88,9 lên 93,7, tương ứng mức tăng đến 5,5%.

Cung ngoại tệ có thể gặp thách thức

Xu hướng tăng trở lại của đồng USD trước khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn đã gây áp lực lên tỷ giá của các nền kinh tế còn lại và Việt Nam không là ngoại lệ. Có thể thấy đồng USD trong nước đã tăng với tốc độ chậm hơn nhờ sự điều hành và kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhất là khi có nhiều thuận lợi trong bối cảnh nguồn cung USD vẫn khá vượt trội. Tuy nhiên điều này có thể thay đổi trong giai đoạn tới, đặt ra nhiều thách thức cho nhà điều hành.

Thứ nhất là mặc dù vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân 4 tháng đầu năm ước tính đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2017, tuy nhiên tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm chỉ đạt 5,798 tỷ USD, giảm 37,3% so với cùng kỳ năm 2017. Điều này cho thấy vốn giải ngân trong giai đoạn tới có thể sẽ bị ảnh hưởng và khó có thể duy trì tăng trưởng như thời gian qua.

Về nguồn vốn đầu tư gián tiếp, trong 4 tháng đầu năm 2018 có 1.863 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 2,262 tỷ USD, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2017, nhờ vào chính sách đẩy mạnh thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước cũng như nhiều tập đoàn lớn đã tận dụng thời cơ chứng khoán tăng mạnh để niêm yết lên sàn và bán vốn cho cổ đông chiến lược nước ngoài.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu áp lực điều chỉnh từ đỉnh cao, dòng vốn của khối ngoại có thể bị rút ra, nhất là trước áp lực các ngân hàng trung ương tại các nước phát triển dự kiến có thể thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn và thúc đẩy dòng vốn đảo ngược rút ra khỏi các thị trường đang phát triển và mới nổi. Thực tế khối ngoại cũng đã bán ròng trên thị trường cổ phiếu kể từ tháng 3 trở lại đây, trong khi cũng giảm mua ròng trên thị trường trái phiếu so với cùng kỳ.

Cán cân thương mại có thể là điểm sáng nhất khi 4 tháng đã xuất siêu 3,39 tỷ USD, trong khi cùng kỳ nhập siêu 2,73 tỷ USD, chủ yếu là nhờ vào xuất khẩu điện thoại và linh kiện tăng 46% so với cùng kỳ 2017. Nhưng đáng lưu ý là thặng dư cán cân thương mại vẫn phụ thuộc chính vào nhà đầu tư nước ngoài khi khu vực này xuất siêu đến 1,17 tỷ USD trong khi khu vực trong nước vẫn nhập siêu 7,78 tỷ USD. Liệu có bao nhiêu lượng ngoại tệ thặng dư của các nhà đầu tư nước ngoài nằm lại Việt Nam để tái đầu tư hay phần lớn đã chảy về mẫu quốc?

Một nguồn cung ngoại tệ khá lớn khác là lượng kiều hối khả năng vẫn chịu nhiều áp lực trước chính sách cư trú ngày càng thắt chặt dưới thời chính quyền Trump, cũng như trước chính sách tăng lãi suất nhanh hơn của FED.

Ẩn số cầu ngoại tệ?

Cùng với nguồn cung ngoại tệ chịu áp lực, thì cầu ngoại tệ có thể tăng nhanh trở lại, gây mất cân đối trên thị trường. Thống kê cho thấy trong khi huy động vốn ngoại tệ đến cuối tháng 4 tiếp tục giảm 3,1% so với đầu năm thì tín dụng ngoại tệ vẫn tăng ở mức cao, đến 6,3%. Diễn biến này cho thấy khả năng các ngân hàng đang trong trạng thái ngoại hối âm khá lớn, nhất là khi từ đầu năm đến nay nhiều ngân hàng liên tiếp bán ngoại tệ cho NHNN.

Chính vì vậy, để cân đối lại trạng thái ngoại hối, các ngân hàng buộc phải mua ngoại tệ, cùng với lực cầu từ doanh nghiệp có thể tăng mạnh trong những tháng cuối năm để tất toán các khoản vay ngoại tệ khi mà cuối năm nay cũng là thời điểm xuất khẩu không còn được phép vay ngoại tệ theo quy định của NHNN.

Trong khi đó, với việc dự trữ ngoại hối cập nhật gần nhất cho thấy đã tăng lên mức 63 tỷ USD, tức tăng thêm 11 tỷ USD trong gần 5 tháng sau khi đã tăng 13 tỷ USD trong năm 2017, thì có thể thấy một lượng ngoại tệ đáng kể đã bị rút ra khỏi thị trường.

Mặc dù kể từ khi trần lãi suất USD về 0% thì người dân có xu hướng chuyển dịch tiền gửi ngoại tệ sang VND để hưởng lãi suất cao hơn, nhưng nếu lạm phát chịu áp lực tăng trở lại trước triển vọng giá dầu tăng mạnh cùng với xu hướng điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ công và thuế, phí tăng trong thời gian tới, và nếu lãi suất VND không thể duy trì ở mức hấp dẫn so với lạm phát, thì có thể khuyến khích người dân chuyển sang nắm giữ USD trở lại để bảo vệ đồng tiền khỏi bị "xói mòn" do lạm phát. 

Theo DNSG Online

Khóa đào tạo giám đốc tài chính thực chiến VBI Group

Địa chỉ bán bưởi hồ lô giá tốt ở Sài gòn - Shop bưởi hồ lô tài lộc Bình Thạnh

Khóa đào tạo Giám đốc Điều hành Thực chiến VBI Group