Người tài: Chia mục tiêu theo tuần, tháng bắt đầu từ những thói quen đơn giản
 -  5.000 Lượt xem
(Doanh nhân thời đại) Không có công việc nào ngày nào cũng đem lại hạnh phúc, nhưng chí ít bạn sẽ vui hơn nếu làm được công việc đúng và phù hợp với những yêu cầu của bản thân. Những yêu cầu ấy là gì?
Mình từng được làm việc ở một công ty rất hay ho: ăn trưa miễn phí, phòng chơi game cho nhân viên, thư viện, phòng ngủ có nhạc nhẹ – tất thảy đều nhằm mục đích giúp nhân viên tụi mình hạnh phúc hơn. Quan điểm của sếp lúc đấy rất rõ là: nhân viên hạnh phúc thì làm việc tốt và gắn bó hơn.
Tuy nhiên, mình biết rằng không phải công ty nào cũng được như thế – vậy nên mình nghỉ công ty trên mình không đem theo sự kỳ vọng về những thứ đó cho công việc mới. Việc công ty cho những gì là yếu tố bên ngoài chúng ta không thể kiểm soát được hoàn toàn. Bản thân mỗi người đều có thể tự tạo ra sự hạnh phúc bên trong. Dưới đây mình chia sẻ cho bạn một số cách mình từng áp dụng và tư vấn cho các bạn khách hàng tư vấn hướng nghiệp của mình nhé.
1. Tìm công việc phù hợp
Nhiều bạn tìm đến mình với mong muốn "tìm được một công việc phù hợp"? Mình đều phải làm rõ rằng "phù hợp ở đây là phù hợp cái gì"?
Nếu là phù hợp với tính cách, kỹ năng bạn đang có – bạn cần xác định rõ xem mình đang có tính cách và kỹ năng như thế nào?. Đôi khi vì đi làm ở một môi trường quá lâu mà bạn đã quên mất tính cách phù hợp thực sự của mình là như thế nào. Ví dụ, mình biết những bà mẹ trẻ tính cách phóng khoáng, thích tự do, yêu nghệ thuật – tuy nhiên nhiều năm làm văn phòng cùng với việc chăm con đã biến họ trở thành một người kỷ luật, truyền thống, thích ổn định – cho đến một ngày họ thấy sự mâu thuẫn trong bản thân.
Có người thì quan trọng hơn sự phù hợp về những thứ khác như mức lương, con người làm cùng, giá trị công việc đem lại.
Có người sẽ hạnh phúc nếu công việc đó phù hợp với tính cách và năng lực tự nhiên, có người quan trọng mức lương, có người quan trọng giá trị, người thì quan trọng người làm việc cùng...
Không có công việc nào ngày nào cũng đem lại hạnh phúc, nhưng chí ít bạn sẽ vui hơn nếu làm được công việc đúng và phù hợp với những yêu cầu của bản thân. Vậy trước tiên, hãy làm rõ yêu cầu của bản thân trước nhé.
2. Công việc giúp đạt được những thứ bên ngoài
Có thể bạn phải làm một công việc không đúng sở thích, đam mê – nhưng công việc đó lại giúp bạn thỏa mãn những yếu tố về cuộc sống ngoài giờ, thì bạn vẫn có thể vui trong công việc đó.
Ví dụ, mình đam mê giáo dục và hướng nghiệp. Tuy nhiên có lần mình làm cho một công ty bất động sản – không phải lĩnh vực mình mê, nhưng công việc đó cho mình mức lương cao (để đi du lịch) và có thời gian linh hoạt (để làm việc cá nhân), nên mình vẫn vui trong công việc đó.
Vậy thì một cách nữa để vui khi đi làm mà chưa có cơ hội làm được những công việc đúng đam mê sở thích đó là hãy vẽ rõ hình ảnh về cuộc sống bạn muốn khi không đi làm. Bạn có muốn buổi tối và cuối tuần dành cho bạn bè và người thân? Bạn có mỗi mỗi tháng đi du lịch một lần? Bạn có muốn một lịch trình cố định để có thể dành thời gian cho con mỗi tối?
3. Có kế hoạch cho sự phát triển
Bạn sẽ vui nếu bạn: kiểm soát được đời mình; thấy bản thân có sự tiến bộ và phát triển. Bạn có thể làm được hai điều này thông qua việc lập kế hoạch phát triển sự nghiệp và phát triển bản thân.
Ví dụ trong công việc, dù đó là việc thích hay không thích, bạn hãy thử vạch ra kế hoạch 1 tháng – 3 tháng – 6 tháng xem mình muốn đạt được gì hay muốn học thêm được kỹ năng nào.
Trong cuộc sống cá nhân, mình thường xuyên có những mục tiêu theo tuần/tháng cho những thói quen đơn giản như dậy sớm, đọc sách, tập thể dục, thiền. Thói quen nào cũng được, bạn chẳng cần phải giống mình, nhưng có một thứ để theo đuổi bạn sẽ vui hơn.
Hãy để bản thân được tự quyết định mình theo đuổi cái gì, nếu không bạn sẽ để cho sếp giao việc theo đuổi gì cho bạn hoài đấy.
4. Hóng hớt ở công ty
Bạn có thừa nhận là, đi làm mà thông tin mù mờ rất là khó chịu không? Ví dụ có chuyện gì đó ai cũng biết mà mình không biết. Hoặc chuyện gì đó mù mờ mỗi người hiểu một kiểu. Chính sự mù mờ này rất dễ làm bạn tụt hứng khi đi làm, vậy nên phải tìm cách cho bớt bù mờ.
Đừng ngồi chờ ai đó giúp bạn chuyện này, phải chủ động lên. Ví dụ, mình làm công ty nhỏ thì mình có hẹn đồng nghiệp 2-3 tuần một lần gặp gỡ 1-1 để cập nhật thông tin hoặc chia sẻ những câu hỏi có ý nghĩa. Với công ty to hơn không gặp được tất cả mọi người, mình sẽ ưu tiên gặp sếp.
Đến đây bạn có thể suy nghĩ rằng mọi người trong chỗ mình làm không có văn hóa như thế, ở nơi bạn làm mọi người ít giao tiếp lắm. Tuy nhiên, chuyện người khác hãy để người khác lo. Quan trọng là ở bạn, bạn phải chủ động trước đi đã.
5. Xin góp ý thường xuyên
Nhận góp ý của sếp và đồng nghiệp cũng là một cách để làm mình vui khi đi làm. Góp ý thì có cái tốt cái chưa tốt, nhưng nhận góp ý là một cách để mình biết bản thân có giá trị, biết mình cần cải thiện chỗ nào hay có đang gây hiểu nhầm gì với ai không.
Những công ty to thì thường có đánh giá định kỳ thường xuyên, công ty nhỏ thì ít hơn. Tuy nhiên mình thấy rằng nhiều nơi vẫn làm việc này khá máy móc, mọi người không cởi mở với nhau. Có thể mọi người sợ nếu mình cho góp ý thành thật thì sẽ gây sứt mẻ tình cảm.
Giống như ở trên, bạn phải chủ động trước. Hãy làm một bài khảo sát về những đối tượng đa dạng như sếp, đồng nghiệp, khách hàng xem họ đánh giá sao về năng lực làm việc của bạn, có góp ý gì không – và cứ chia sẻ thành thật rằng bạn không ngại đánh giá xấu, vì như vậy sẽ giúp bạn trở nên tốt hơn – bạn cũng không để bụng cá nhân.