3 phút đủ để bạn làm gì?
 -  5.947 Lượt xem
(Doanh nhân thời đại) 3 phút có thể vừa đủ để đọc một trang sách, xem một video, nhưng cũng có thể đủ để thay đổi bước ngoặt đời người nếu biết cách tận dụng.
Trong cuộc sống, bạn sẽ luôn có thể gặp phải những tình huống thế này:
Đọc được review về một cuốn sách rất đặc sắc, ngay lập tức mua về và đọc say mê hết nửa cuốn chỉ trong 2 ngày, đột nhiên tới ngày thứ ba lại hết hứng thú.
Bắt đầu tập chạy bộ, cảm thấy rất thú vị trong hai ngày đầu tiên, nhưng những hôm sau bắt đầu đau chân và quyết định từ bỏ.
Nhìn thấy bạn bè đang chuẩn bị thi MBA, thi IELTS, bạn cũng muốn học tập thêm kiến thức nên đăng ký vài buổi học, chăm chỉ đi được vài ba bữa xong lại bắt đầu cảm thấy không thích hợp.
…
Rất nhiều tình huống như thế này đều được gọi chung bằng một cái tên, đó là: “3 minutes passion - 3 phút say mê”, nghĩa là cảm xúc hứng thú với một sự vật/sự việc nào đó nảy sinh và tồn tại trong một thời gian rất ngắn, tương đương với cụm “cả thèm chóng chán” của người Việt.
Tình huống này xuất hiện do tâm lý muốn nhìn thấy kết quả ngay lập tức sau khi bỏ ra một phần nỗ lực của mọi người. Chẳng hạn như, bạn mới chỉ bỏ ra 10% sức lực nhưng đã muốn nhận được 80% thành quả, sau cùng, thực tế chỉ thu về 10% hoặc thậm chí thấp hơn thế. Ngay khi vừa bắt đầu kinh doanh, bạn đã muốn lãi hàng tỷ đồng để mua nhà mua xe? Gần như bất khả thi! Đây chính là nguyên nhân khiến mọi người nhanh chóng nản lòng chỉ sau 3 phút say mê.
Tuy nhiên, điều gì cũng có hai mặt của nó, không phải lúc nào, tâm lý này cũng chỉ đem đến tác dụng tiêu cực. Nếu biết cách tận dụng và tối ưu, khoảng thời gian 180 giây cũng có thể trở thành bắt ngoặt quan trọng, giúp bạn thay đổi một thói quen thường ngày, từ đó thay đổi cả tương lai về sau.
Khi tâm lý 3 phút say mê xuất hiện cũng đồng nghĩa với việc bên trong bạn đang khao khát sự đổi thay. Chính bạn đã có nhận thức thì rất dễ để điều hướng tư duy. Điều đó có thể bắt nguồn từ tính tò mò, cảm giác muốn thử một điều gì mới mẻ, nhưng sau đó, qua quá trình tiếp cận đúng đắn, sự tò mò ban đầu sẽ biến thành niềm yêu thích, bản năng khám phá được thay thế bởi niềm đam mê thực sự. Ở thời điểm đó, 3 phút sẽ dần dần biến thành 3 tháng, 3 năm, thậm chí là 30 năm, hoặc cả đời.
Làm cách nào để tối ưu hóa các lợi thế này, hãy bắt đầu bằng 5 tiêu chí sau đây:
1. Dồn toàn bộ sự tập trung và nhiệt tình vào 3 phút đó
Có thể hiểu rằng, nếu bạn muốn thử học tiếng Anh, hãy dành toàn bộ tâm trí vào việc học một cách chuyên nghiệp nhất. Đừng làm nửa vời!
Nếu bạn không thể tập trung nổi trong khoảng thời gian ngắn thì chứng minh lĩnh vực đó không phù hợp với bạn. Có thể từ bỏ sớm để bắt đầu trải nghiệm một điều khác.
2. Mỗi quá trình trải nghiệm phải đạt được một mục tiêu nhất định
Muốn thành thạo toàn bộ một kỹ năng mới không hề đơn giản, nhưng nếu có thể đặt ra một mục tiêu nhất định phù hợp với năng lực, chúng ta vẫn sẽ thu hoạch được thành tựu sau quá trình trải nghiệm.
Chẳng hạn như, bạn từng thử học rất nhiều loại nhạc cụ như piano, ghi-ta, bass, sáo trúc… Loại nào cũng không đủ thiên phú để trở thành nhân tài. Tuy nhiên, ở mỗi một loại, bạn đều học thành thạo cách diễn tấu một hoặc hai bài nào đó. Như vậy, khoảng thời gian bạn bỏ ra để luyện tập nhạc cụ không hề trở nên vô nghĩa, vẫn gặt hái được kết quả.
3. Tận dụng lòng tò mò mạnh mẽ của bản thân để không ngừng trải nghiệm những điều mới
Nếu ví mỗi một lĩnh vực là một cái chai, những điều bạn biết là nước đựng bên trong cái chai đó. Tuy kiến thức ở mỗi lĩnh vực chỉ là một phần rất nhỏ, có thể là 1/2, thậm chí chỉ chiếm 1/10 cái chai thì cũng không có gì phải bất mãn. Một cái chai bạn chỉ có 1/10, nhưng nếu bạn có 10 cái chai, thậm chí 100 cái chai, lượng nước đạt được lại vô cùng lớn.
Do đó, đừng bận tâm tới kết quả mà hãy không ngừng trải nghiệm, đặt bản thân vào những thử thách mới. Qua mỗi một quá trình, dù nhiều dù ít, bạn vẫn đạt được kết quả của riêng mình.
4. Phân biệt rõ "việc thích làm” với "việc cần làm"
Có đôi khi, chúng ta sẽ chán nản cho rằng, vì theo đuổi những việc yêu thích mà lỡ dở thời gian cho việc cần làm. Ở vào thời điểm đó, cần nhận thức rõ ràng sự khác biệt của hai yếu tố “thích” và “cần”. Nếu bạn vì “thích” mà bỏ qua “cần”, bạn đang hành động vô trách nhiệm với chính cuộc đời mình.
Phải biết rằng, việc cần làm không hoàn thành bằng say mê, yêu thích trong 3 phút mà cần có sự kiên trì, bền bỉ và ý thức trách nhiệm trong suốt một thời gian dài. Đừng nói rằng mình không thích thì có thể không học.
5. Quan trọng nhất vẫn là thực tiễn và ứng dụng
Nếu không biết thì đừng giả vờ mình biết. Nếu không hiểu thì cứ mạnh dạn học hỏi thêm. Chỉ khi nào, những điều bạn học thêm được đưa vào áp dụng trong thực tiễn thành công thì nó mới chính thức trở thành kiến thức trong đầu bạn.
Bên cạnh đó, nếu bạn muốn biến “3 phút” thành “cả đời”, hãy tham khảo những lời khuyên sau:
1. Sau khi thử trải nghiệm một điều gì đó một thời gian, bạn vẫn cảm thấy yêu thích, hãy chủ động thay đổi thói quen hàng ngày để dành ra một khoảng không mới cho điều đó.
2. Chia nhỏ mục tiêu lớn thành nhiều mục tiêu nhỏ, và sau đó, quá trình theo đuổi sẽ dễ dàng hơn. Sau mỗi mục tiêu hoàn thành, hãy tự thưởng cho mình. Đây là cách không ngừng đổi mới đam mê, kéo dài giới hạn “3 phút”.
3. Rèn luyện tính kỷ luật, tự giác của bản thân . Trong một môi trường không ngừng cạnh tranh và yêu cầu sự thay đổi, nếu bạn không học cách kỷ luật tự giác, kiên trì phát triển năng lực, bạn rất dễ rơi vào vòng “đào thải”.
4. Phát triển thói quen tốt, bởi vì 95% hành vi của bạn được quyết định bởi thói quen. Và các thói quen tốt sẽ thay đổi mô hình sống của bạn. Mô hình sống sẽ trực tiếp thay đổi tương lai.