31 'kỹ xảo' vô cùng đơn giản giúp bạn ai gặp cũng quý (P1)
 -  12.973 Lượt xem
(Doanh nhân thời đại) EQ cao không có nghĩa là không biết chê bai. Là bạn bè mà không thể chê bai dè bỉu nhau, còn gì thú vị nữa chứ?
Những người EQ (Chỉ số cảm xúc) cao quả thật siêu phàm. Dù các vấn đề đưa ra thảo luận nhạy cảm thế nào, anh ta cũng có thể giải thích rất thú vị. Dù đối phương có vô duyên lạc đề ra sao, anh ta vẫn khéo léo dẫn dắt họ quay về. Câu từ lại luôn uyển chuyển, thái độ nhẹ nhàng, lúc nào cũng tôn trọng đối phương.Cái gọi là EQ cao, chính là phải biết cách nói chuyện. Nói như thế nào đây nhỉ?
1. Đừng nói "không đúng", hãy nói "đúng"
Tôi có người bạn rất thích nói "không", dù người khác nói gì, câu đầu tiên anh ta luôn là "không", "không đúng", "không phải vậy’, nhưng sau đó anh ta cũng chẳng phản bác lại gì, chỉ bổ sung thêm. Thói quen nói "không" của anh ta khiến mọi người ghét bỏ. Ai thích bị người khác phủ nhận chứ? Tôi từng phỏng vấn một vị giáo sư học thức rất uyên bác, tôi phát hiện ông ta có thói quen rất hay, bất luận ai nói gì ông ấy cũng chân thành nói "đúng", sau đó nhiệt tình chỉ ra những điểm có thể phát triển thêm trong câu nói của bạn, tiếp tục mở rộng, dần dẫn dắt tới cách nhìn nhận của ông ấy.
Một người giỏi giang như vậy lại khẳng định cách nhìn nhận của kẻ ngốc là bạn, chắc chắn bạn sẽ vừa mừng vừa lo. Hơn nữa ông ấy còn nâng quan điểm của bạn lên một mức độ cao hơn, khiến bạn cảm thấy mình và ông ấy đều là những người tài giỏi. Từ đó tôi nhận ra một điều, khẳng định đối phương trước, sau đó mới nói lên quan điểm của mình, sẽ khiến bầu không khí trao đổi thoải mái hơn nhiều.
2. Lúc nói "cảm ơn" có thể thêm chữ "bạn" hoặc tên đối phương
"Cảm ơn" và "cảm ơn bạn" khác nhau ở chỗ nào? "Cảm ơn" là phiếm chỉ còn "cảm ơn bạn" là chỉ rõ đối tượng, có tâm ý hơn rất nhiều. Đối với người xa lạ, bạn hãy nói "cảm ơn bạn". Đối với người quen, hãy thêm tên người đó vào sau chữ "cảm ơn", sẽ thân thiện hơn rất nhiều.
3. Khi muốn nhận được sự giúp đỡ từ người khác, cuối câu hãy thêm hai chữ "được không"
Tuyệt đối đừng dùng giọng điệu ra lệnh để nói chuyện, thêm hai chữ "được không" ở cuối sẽ khiến câu nói của bạn mang sắc thái thương lượng, đối phương sẽ cảm thấy mình được tôn trọng. Tôi có người bạn là tổng giám đốc một công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, mỗi lần anh ấy muốn tôi làm việc gì đều thêm cụm "có được không", "có tiện không", "được không", dùng ngữ khí thương lượng đối đãi với người có địa vị thấp hơn mình thể hiện bạn là người có văn hóa.
4. Lúc nói chuyện ít dùng từ "tôi", dùng nhiều từ "bạn"
Thái Khang Vĩnh từng nói, lúc nói chuyện, mỗi môt người đều là "trẫm". Ai cũng muốn nói về chính mình. Bạn nói về kinh nghiệm hoặc quan điểm của bản thân đối với một sự việc, sau đó thêm câu "còn bạn thì sao", "bạn cảm thấy thế nào", trao chủ đề nói chuyện cho đối phương, để đối phương có chút quyền lực và không gian biểu đạt, khi đó bạn sẽ trở nên đáng yêu hơn nhiều.
5. Dùng nhiều từ "chúng tôi", "chúng ta" có thể nhanh chóng kéo gần khoảng cách một mối quan hệ
Ví dụ lúc gặp mặt người mới quen biết, bạn thay câu "ngày mai gặp nhau ở đâu" thành "ngày mau chúng ta gặp nhau ở đâu", chỉ thay đổi một chút nhưng lại có vẻ thân thiện hơn, đúng không?
6. Lúc khen người khác, không nên khen chung chung, phải khen cụ thể chi tiết
"Bạn thật đẹp", "Bạn thật thông minh", "Bạn thật giỏi", đây là những câu khen ngợi thông thường, nếu muốn lời khen của mình cao cấp hơn, hãy tìm xem đối phương mệt như thế nào, thông minh ra sao, giỏi giang kiểu gì. Ví dụ, quen biết một cô gái có vóc dáng đẹp, mà cô ấy đã chán nghe những câu khen vóc dáng đẹp rồi, có người khen cô ấy "tỷ lệ những cô gái Trung Quốc có eo đẹp rất ít, chỉ có bạn là ngoại lệ", cô ấy sẽ rất ấn tượng với câu nói đó. Có rất nhiều người khen tôi "Sách bạn viết hay quá, câu văn của bạn thật lưu loát", cứ nói đi nói lại nhiều lần, tôi sẽ cảm thấy đó chỉ là mấy câu khách sáo. Nhưng nếu đối phương nói bài văn nào của tôi hay, đặc biệt thích đoạn nào, tôi sẽ rất cảm động, sẽ thấy đối phương thật sự thích văn của tôi.
7. Khen ngợi những ưu điểm ít người nhìn thấy, những phần đối phương mong muốn được khen ngợi
Người dung mạo đẹp thường muốn người khác khen mình có kiên thức, các nhà doanh nghiệp thường muốn được khen là có đạo đức, những cô gái giỏi giang muốn bạn khen cô ấy đẹp, nói chung là thiếu đâu bổ sung đó. Tôi trộm nghĩ, vậy EQ cao rốt cuộc là thế nào? Nếu anh ta thật sự nông cạn, gian thương hay xấu xí, miễn cưỡng khen ngợi không phải EQ cao, mà là dối trá.
8. Dùng phương thức trêu đùa để khen người khác
Nói thật, có lúc tôi cảm thấy khó chịu nếu tán dương ai đó quá trực tiếp, vì vậy đôi khi phương thức trêu chọc bông đùa sẽ tốt hơn. Ví dụ muốn khen người khác có dáng người đẹp, bạn có thể nói "Chân ngắn đi một chút, eo to hơn một chút thì sẽ chết à, đáng ghét, cách xa tôi một chút". Ví dụ bạn muốn khen cô gái xinh đẹp vô cùng tài năng, có thể nói "Có một luật bất thành văn rằng, những người xinh đẹp đều là kẻ ngốc, cậu xinh đẹp lại còn thông minh, đúng là phạm quy, không, không đúng, chính là phạm tội!"
9. Trước mặt chê bai, sau lưng tán thưởng
EQ cao không có nghĩa là không biết chê bai. Là bạn bè mà không thể chê bai dè bỉu nhau, còn gì thú vị nữa chứ? Nhưng xin bạn hãy chỉ chê bai trước mặt đối phương, còn sau lưng hãy nói những điều tốt về họ! Đồng nghiệp cũ của tôi, một đại mỹ nhân, trước đây tôi luôn cảm thấy cô ấy lạnh lùng, một lần vô tình nghe được có người nói xấu tôi, cô ấy phản bác lại họ, tôi rất cảm động, lập tức có thiện cảm hơn với cô ấy.
10. Bạn có thể chê cười bạn mình, nhưng không thể chê cười sở thích, đặc biệt là thần tượng của họ
Nếu bạn của bạn là fan hâm mộ một thần tượng nào đó, nhất định phải nhớ điều này. Bạn có thể nói cô ấy hồ đồ hết thuốc chữa, nhưng không được nói thần tượng của cô ấy như thế. Tôi có quen hai cô bé, là bạn thân 10 năm, họ coi nhau quan trọng như người trong nhà. Trong đó có một cô bé là fan cuồng Ngô Ngạn Tổ. Cô bé kia chỉ vô tình nói "Ngô Ngạn Tổ thật sự đã già, mặt đầy nếp nhăn", thế là tình bạn của họ chấm dứt. Các bạn ạ, khi muốn làm bạn với fan hâm mộ thần tượng, hãy khen ngợi thần tượng của họ, không chỉ khen đẹp trai, còn phải nói phẩm chất tốt, có tài, nhiệt tình đối đãi với người hâm mộ, đây là cách nhanh nhất để kết bạn với họ.
11. Lần đầu gặp mặt nhất định phải nhớ tên đối phương
Cách đây nhiều năm, khi tôi mới vào làm ở toàn soạn báo, là một phóng viên quèn, có lần phỏng vấn Lương Văn Đạo, anh ấy hỏi tên tôi. Sau đó một năm, lần thứ hai gặp mặt, anh ấy vừa mới đến đã gọi tên tôi, khiến tôi rất cảm động. Nhiều người hay kêu than mình không nhớ nỗi tên người khác. Thật ra không phải bạn không nhớ, chẳng qua bạn cho rằng việc này không quan trọng mà thôi. Nếu bạn thật sự ý thức được tầm quan trọng của nó, bạn nhất định sẽ ghi nhớ.
12. Dù cãi nhau kịch liệt thế nào, phẫn nộ ra sao, cũng không nên nói lời tổn thương lòng tự trọng của đối phương
Đúng vậy, lúc cãi nhau rất dễ nói lời tổn thương người khác, một người có EQ cao biểu hiện rõ nhất chính là không bao giờ để bản thân nói ra những câu như thế. Càng là người thân quen, càng biết điểm yếu của đối phương, do đó những câu nói trong lúc giận dữ không chỉ gây tổn hại đến đối phương, mà còn có tính hủy diệt. Đừng cậy mình thân quen mà làm tổn thương họ một cách trắng trợn như thế.
13. Chân thành nói những lời thật lòng chứ không phải khó nghe
Bạn có thể chê bạn mình béo, nhưng không thể nói cô ấy béo như "lợn". Trêu chọc và xúc phạm. hài hước và nói kháy, thẳng thắn và vô duyên là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.
14. Nhìn thấu nhưng không nói ra, cho người khác đường lui
Phát hiện người khác nói sai hoặc nói dối, không cần phải vạch trần ngay trước mắt họ. Nếu một người khoe một chiếc túi Cottage giả, bạn cũng không cần phải phơi bày ra đâu. Mua hàng giả rất đau lòng rồi, mua phải hàng giả vẫn giả vờ là hàng thật để khoe lại càng đau lòng hơn. Một người không đủ mạnh mẽ mới phải dùng đến hàng hiệu để chứng tỏ bản thân mình, đến khi cô ấy mạnh mẽ hơn, có đủ tự tin hơn, cô ấy mới hiểu được điều này.
15. Trong một buổi xã giao, phải nghĩ đến cảm nhận của thiểu số
Nếu trong một buổi tụ họp, các bạn có 10 người, dù 9 người cùng quê, các bạn cũng đừng nói chuyện bằng tiếng địa phương, đặc biệt khi người còn lại không hiểu tiếng địa phương, không nghe được các bạn đang nói gì, người đó sẽ cảm thấy lúng túng. Nếu các bạn có 10 người, dù 9 người đều là bạn cùng lớp hay đồng nghiệp, một người còn lại không phải, các bạn không nên chỉ nói đến việc công ty, việc trường lớp, người còn lại sẽ cảm thấy lẻ loi. Nghĩ đến cảm nhận của bên thiểu số một chút, nói những vấn đề họ có thể tham gia trò chuyện, để họ không cảm thấy mình lạc lõng.
(Còn tiếp)
* Nội dung bài viết trích từ cuốn sách "Sống thực tế giữa đời thực dụng", tác giả Mễ Mông.
Theo Nhịp Sống Kinh Tế/CFbiz