Bùng nổ đầu tư điện mặt trời: Nội ngoại cùng thi nhau chạy!

Ngày 05/10/2018

 -  6.014 Lượt xem

(Doanh nhân thời đại) Mọi ưu đãi từ Quyết định 11 cho năng lượng mặt trời trên chỉ có hiệu lực đến ngày 30/6/2019. Và đó cũng chính là nguồn cơn cho làn sóng đầu tư rầm rộ, và rồi "thi nhau" khởi công tính đến thời điểm hiện tại.

Có thể nói, chưa bao giờ dự án điện mặt trời lại thi nhau khởi công nhiều như thời điểm hiện tại. Chỉ trong vòng vài tuần trở lại đây, đã có đến vài dự án năng lượng mặt trời chính thức khởi động với quy mô vốn đầu tư cả ngàn tỷ. Từ đơn vị bất động sản Bamboo Capital (BCG) với dự án hàng chục hecta tại Long An, đến Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) hay Gelex cũng vừa khởi công Trang trại Điện mặt trời Gelex Ninh Thuận sau khi hoàn tất mọi đàm phán liên quan với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Thậm chí, đến doanh nghiệp kinh doanh cá - Tập đoàn Cá Tầm Việt Nam – cũng lên tiếng muốn đầu tư dự án điện mặt trời 1.200 tỷ đồng tại Ninh Thuận vào khoảng đầu tháng 7 năm nay.

Bùng nổ đầu tư điện mặt trời: Nội ngoại cùng thi nhau chạy!

Nội ngoại cùng thi nhau chạy!

Điểm sơ qua, theo ước tính hiện số lượng dự án chờ phê duyệt tăng chóng mặt từ hàng chục lên hàng trăm đến từ nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tổng công suất ước đạt hơn 12.000 MW, chủ yếu phân bổ tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, Hà Tĩnh với những đặc tính phù hợp về đất đai, lưu lượng ánh nắng mặt trời…

BIM Group lên kế hoạch dùng 2.300 ha đất để phát triển dự án điện mặt trời với tổng công suất 1.000 MW. Hiện, Công ty đang ráo riết chuẩn bị nhân sự cho mảng mới này. Tổng dự án BIM Group gồm 3 giai đoạn, nhà máy 40 MW xây dựng trong năm 2017-2018, hai nhà máy có tổng công suất 350 MW tiếp theo được phát triển trong năm 2018 – 2019, hơn 500 MW còn lại sẽ được triển khai sau năm 2019.

Tập đoàn Thành Thành Công giữa năm 2017 đã công bố sẽ đầu tư khoảng 1 tỷ USD để xây dựng và vận hành 20 nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam. Tổng công suất dự kiến là 1.000 MW và một số dự án bắt đầu được khởi công vào quý 4/2017. Tập đoàn vừa chính thức khởi công dự án tại Ninh Thuận.

Cũng mới cắt băng khánh thành 1 trong 2 dự án theo kế hoạch, Bamboo Capital dự sẽ hợp tác với tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc), Unisun Energy (HongKong) và Coara Solar (Đức) để đầu tư 2 nhà máy điện mặt trời tại Long An có tổng công suất 140 MW. Thậm chí, Bamboo Capital còn đang đề xuất các dự án điện mặt trời tại Gia Lai có công suất 400 MW.

Đáng chú ý, EVN cũng không đứng ngoài cuộc, hiện Tập đoàn cùng các đơn vị thành viên đang triển khai các bước quy hoạch và chuẩn bị đầu tư 23 dự án, với tổng công suất khoảng 3.100MW. Trong đó, công ty mẹ EVN đã xác định địa điểm và lập quy hoạch 4 dự án tổng công suất khoảng 575MW và đang nghiên cứu 2 dự án công suất 250 MW.

Không kém cạnh, dòng vốn ngoại cũng ồ ạt đổ vào mảng năng lượng mặt trời Việt. Điểm tên có USAID, đã ký kết hỗ trợ phát triển dự án điện mặt trời Tịnh Biên công suất 210 MW, quy mô vốn 193 triệu USD.

Trước đó, Fujiwara của Nhật Bản cũng được tỉnh Bình Định cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án điện 100 MW trị giá 64 triệu USD. Hay tập đoàn SY Group của Hàn Quốc cũng lên kế hoạch triển khai dự án điện mặt trời quy mô 300 MW tại Bạc Liêu, vốn đầu tư 450 triệu USD.

Góp mặt còn có đơn vị năng lượng hàng đầu thế giới, B. Grimm Power sẽ chi 35,2 triệu USD để mua 80% cổ phần trong dự án nhà máy điện mặt trời ở Phú Yên, với công suất lắp đặt 257 MW. Trước đó, B.Grimm Power ký thỏa thuận với Tập đoàn Xuân Cầu để xây dựng và vận hành nhà máy điện mặt trời ở Tây Ninh với công suất 420 MW, lớn nhất Đông Nam Á… cùng nhiều đơn vị khác từ Ấn Độ…

Tất yếu và còn nhiều bất cập

Trở lại với làn sóng trên, thực tế, Việt Nam đang chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo để duy trì sản xuất điện mà không làm tăng chi phí sản xuất khi nhu cầu ngày một cao, đi cùng sự cạn kiện của nguồn nguyên liệu hiện có. Do đó, tìm nguồn năng lượng thay thế là một xu hướng tất yếu, và trong số đó năng lượng mặt trời ở Việt Nam nổi trội với ưu thế với bức xạ mặt trời lớn.

Theo đó, Chính phủ kỳ vọng điện mặt trời sẽ ​​trở thành nguồn năng lượng tái tạo chính trong tương lai, với công suất lắp đặt tăng từ 6-7 megawatt (MW) vào cuối năm 2017 lên 850 MW vào năm 2020, tương ứng 1,6% tổng sản lượng điện của cả nước. Con số này dự kiến ​tăng lên 12.000 MW vào năm 2030, tương ứng 3,3% tổng sản lượng điện của cả nước.

Công suất điện mặt trời dự kiến đến 2030

 Bùng nổ đầu tư điện mặt trời: Nội ngoại cùng thi nhau chạy! - Ảnh 1.

Nguồn: Báo cáo Năng lượng năm 2017.

Kết quả là, "cách mạng" đầu tư vào các dự án điện mặt trời trên cả nước bắt đầu bùng nổ, đỉnh điểm từ tháng 4/2017 sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định 11/2011/QĐ-Ttg bao gồm việc EVN có trách nhiệm mua toàn bộ điện từ dự án điện mặt trời với giá khoảng 9,35 UScent/kWh, tương đương 2.086 đồng/kWh.

Trong khi đó, mức giá điện bình quân hiện nay tầm 1.500-1.700 đồng/kWh, cho thấy mức giá EVN dự mua điện mặt trời là khá cao, kỳ vọng sẽ giúp nhà đầu tư có lời. Chưa dừng lại, Quyết định trên còn đi kèm các ưu đãi khác như thuế, đất đai.

Song, mọi ưu đãi từ Quyết định trên chỉ có hiệu lực đến ngày 30/6/2019. Và đó cũng chính là nguồn cơn cho làn sóng đầu tư rầm rộ, và rồi "thi nhau" khởi công tính đến thời điểm hiện tại.

Bởi, không dễ dàng để có thể đầu tư một dự án điện mặt trời. Theo chia sẻ từ một nhà đầu tư nội, khó khăn lớn nhất cho quá trình đầu tư chính là vốn bên cạnh những hạn chế về trình độ kỹ thuật phải đi huy động từ nước ngoài, khi mà sau đó đơn vị phải xây dựng hệ thông nối lưới các dự án rất phức tạp. Và do đó, việc EVN mua với mức giá cao trên là điều kiện cần để doanh nghiệp có thể mạnh dạn đầu tư, điều kiện đủ thời gian hỗ trợ phải từ 10-20 năm.

Đó là doanh nghiệp, về phía Chính phủ, nhiều quan ngại Quyết định 11 sẽ dẫn đến sự mất cân bằng về công suất của hệ thống truyền tải. Đặc biệt, việc khuyến khích trên còn tạo thêm gánh nặng cho Ngân sách Nhà nước khi phải trợ giá mua điện cho nhà đầu tư trong thời gian vài chục năm. Tại những nước đi trước, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời thực tế cũng chỉ trợ giá mua điện trong thời gian đầu, sau một thời gian phát triển đến ngưỡng công suất nhất định thì giá mua điện giảm để tránh áp lực lên ngân sách quốc gia.

Thứ hai, bởi đặc thù của năng lượng này là phải sản xuất đi kèm tiêu thụ, tức chúng ta buộc phải xây kèm hệ thống truyền tải, đấu nối với lưới quốc gia ở những dự án sau khi hoàn thành. Hệ quả là, chi phí có thể cao hơn so với những dự tính ban đầu, đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ tránh việc quá hoặc hụt tải mọi thời điểm. 

Theo Trí Thức Trẻ/CFbiz

Khóa đào tạo giám đốc tài chính thực chiến VBI Group

Địa chỉ bán bưởi hồ lô giá tốt ở Sài gòn - Shop bưởi hồ lô tài lộc Bình Thạnh

Khóa đào tạo Giám đốc Điều hành Thực chiến VBI Group