Phụ nữ tìm gì ở hàng hiệu?

Ngày 14/06/2018

 -  5.998 Lượt xem

(Doanh nhân thời đại) Tại sao chị em có điều kiện lại có thể bỏ ra mươi triệu để mua váy áo, túi xách dựa theo lời khuyên của nhân viên bán hàng để rồi không lâu sau đã "cả thèm chóng chán"?

Ở một trung tâm thương mại của Singapore, quan sát thấy chị em người Việt đi du lịch thường tranh thủ mua đồ của các nhãn thời trang có thương hiệu. Những bộ váy áo hay túi xách có giá khoảng một, hai chục triệu đồng, "chát" quá so với thu nhập của họ, nhưng bấm bụng mua vì nếu mua ở Việt Nam sợ bị nhầm hàng giả.

Lý do đó đã khiến các chị mua bừa, nghĩ rằng cứ hàng hiệu là ổn, ai cũng chọn những cái túi có gắn mác rõ to. Thực tế có không ít người cho rằng đẳng cấp được thể hiện trên nhãn mác là đảm bảo rồi.

Hầu như đa số đặt niềm tin vào một thương hiệu nào đó. Cảnh mua sắm ở trung tâm thương mại làm nhớ đến hình ảnh một phụ nữ ăn mặc sang trọng bước ra từ quán cà phê ở khu vực trung tâm thành phố, sang đường và tiến đến chiếc ô tô.

Có lẽ nhiều người sẽ đoán quần áo và túi xách của người phụ nữ đó đều là hàng hiệu. Nhiều chị có phong cách giống hệt nhau và tốn rất nhiều tiền cho quần áo, giày dép, túi xách... mà cũng không tạo ra được nét độc đáo, khác biệt mang lại cảm xúc về cái đẹp.

Đó là chưa bàn đến việc hàng hiệu sản xuất cho khu vực châu Á, Đông Nam Á, các hãng nhắm tới thị hiếu của hai thị trường lớn là Trung Quốc và Hồng Kông, đôi khi "gu thời trang" đi ngược các tiêu chí của châu Âu với những chi tiết rườm rà, không lịch lãm. Phải chăng người tiêu dùng không thiếu tiền, nhưng thiếu thời gian hoặc nền tảng về thẩm mỹ để tạo ra sự khác biệt?

Nhớ cách nay chưa lâu, người mẫu Ngọc Trinh tạo xì căng đan khi cô cùng bốn cô gái trẻ đẹp tung những bức ảnh đứng khoe túi xách trên đường phố. Đó là những cái túi Birkin nổi tiếng của Hãng Thời trang Hermès. Giới người mẫu cho đó là hàng giả vì nghĩ rằng có thể Ngọc Trinh có túi Birkin thật, nhưng cả bốn cô đều có thì không thể, bởi những cái túi này có giá cả tỷ đồng một cái, đồng thời muốn có túi thì phải trải qua quá trình mua sắm và chờ đợi.

Để đặt mua túi xách nổi tiếng của Hermès, người mua phải có số điểm tích lũy kha khá sau nhiều lần mua sản phẩm của Hãng để được thừa nhận là khách hàng thân thiết. Sau đó mới được quyền đặt hàng theo mẫu của Hãng và phải chờ đợi từ một đến hai năm mới được sở hữu chiếc túi mơ ước. Túi Birkin Hermès làm theo đơn đặt hàng của người mua có những cái giá lên đến vài trăm nghìn đô la.

Nhắc lại câu chuyện này để thấy rằng sự thành đạt vẫn rất cần sự hỗ trợ về nền tảng văn hóa, thẩm mỹ để trở thành người có đẳng cấp. Nó cũng rèn cho người tiêu dùng thói quen chờ đợi, trân trọng sự sáng tạo khác biệt cho từng sản phẩm cao cấp.

Sống giản dị cũng tốt, nhưng nếu bước chân vào thương trường, người có phong cách lịch lãm, có kiến thức về văn hóa, nghệ thuật sẽ dễ dàng tạo mối liên kết nhanh chóng với đối tác khi ngoài những bữa tiệc tùng nhàm chán họ còn có thể nói với nhau về sưu tầm tranh nghệ thuật, bàn về một vở kịch hoặc kiến trúc, nó tạo sự thân mật và mong muốn gặp lại nhau, thậm chí có thể là khởi đầu cho một tình bạn dài lâu khi phát hiện đối tác không phải người khô khan, nhàm chán.

Trở lại chuyện mua sắm hàng hiệu chứng kiến ở trung tâm mua sắm bên Singapore nói trên, cứ thấy tiếc tại sao nghề "stylist" được hiểu là những người chịu trách nhiệm tạo dựng phong cách cho khách hàng không phát triển ra ngoài thế giới showbiz của các ca sĩ, diễn viên, người mẫu...

Người bình thường không có thời gian, không đủ tự tin để tạo dựng hình ảnh thông qua thời trang có thể tìm đến các "stylist" để được tư vấn dựa trên các yếu tố tuổi tác, nghề nghiệp, gu thẩm mỹ. Tại sao chị em có điều kiện lại có thể bỏ ra mươi triệu để mua váy áo, túi xách dựa theo lời khuyên của nhân viên bán hàng để rồi không lâu sau đã "cả thèm chóng chán"?

Theo - DNSG

Khóa đào tạo giám đốc tài chính thực chiến VBI Group

Địa chỉ bán bưởi hồ lô giá tốt ở Sài gòn - Shop bưởi hồ lô tài lộc Bình Thạnh

Khóa đào tạo Giám đốc Điều hành Thực chiến VBI Group