Bài học truyền cảm hứng từ câu chuyện cuộc đời của Steve Jobs
 -  8.853 Lượt xem
(Doanh nhân thời đại) Câu chuyện về vĩ nhân Steve Jobs luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những người trẻ đang tìm kiếm hướng đi cho bản thân mình, khao khát làm nên những điều khác biệt, ghi dấu trên cuộc đời.
Sandor Fagyal là một doanh nhân kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn hạng sang và rất ngưỡng mộ Steve Jobs . Anh từng chia sẻ mục đích đến Mỹ của mình là để "sống một cuộc đời như Steve Jobs". Dưới đây câu chuyện về hành trình tưởng nhớ - vinh dự của Sandor Fagyal khi được đặt chân đến Thung lũng Silicon 7 năm sau cái chết của một con người tài ba, thần tượng của chính anh và rất nhiều người khác trên thế giới:
“Cuộc sống ngắn ngủi nên đừng tốn thời gian của bạn sống cuộc đời của một người khác” – câu nói trong bài phát biểu của Steve Jobs tại Đại học Stanford vào năm 2005 từng lay động hàng triệu trái tim người trẻ. Đến tận bây giờ, mỗi khi nhìn vào châm ngôn của ông, tôi không khỏi băn khoăn ông sẽ cảm thấy thế nào khi biết rằng tôi đã thực sự dành một ngày để sống cuộc đời của ông...
Trên thực tế, Jobs muốn nhắc nhở mọi người lắng nghe tiếng nói của bản thân, sống có bản lĩnh và theo đuổi giấc mơ của mình. Sau khi ông qua đời, luôn có một giọng nói thôi thúc tôi dấn thân vào hành trình đi tìm cảm hứng và trải nghiệm cuộc sống của một người tầm cỡ tại Thung lũng Silicon danh tiếng.
Trong vòng một tuần, tôi đặt chân đến HP Garage, thong thả dạo quanh El Camino Real rồi ghé thăm mọi địa điểm ông nhắc đến trong tự truyện của mình, cố gắng hình dung ra những gì ông cố gắng truyền tải qua câu chữ của mình.
Vì thế, tôi hồi tưởng lại trải nghiệm của bản thân, nhận ra vai trò của chuyến đi ngắn ngày tới Thung lũng Silicon với việc hình thành nên tôi của ngày hôm nay – một doanh nhân thành đạt. Dưới đây là năm bài học truyền cảm hứng mà tôi đã rút ra, mong rằng chúng có thể giúp ích và động viên bạn trên hành trình chinh phục của riêng mình.
Tìm ai đó truyền cảm hứng cho bạn
Trở thành một doanh nhân chưa bao giờ dễ dàng. Nó khó khăn từ cách tư duy, cách bạn bỏ công việc ổn định và dấn thân vào con đường đầy rẫy rủi ro bạn tự vạch lên. Hành trình bạn chọn chưa bao giờ và sẽ không bao giờ trải hoa hồng.
Vì vậy, khi bạn bắt đầu băn khoăn rằng mình có nên từ bỏ, hãy tìm một ai đó có định hướng giống bạn để lấy động lực từ đó và tiếp tục hành trình nhé.
Với tôi và vô vàn người khác, Steve Jobs vẫn luôn là người truyền cảm hứng. Tôi luôn ngưỡng mộ cách ông làm việc, kể từ cách ông tư duy về thiết kế sản phẩm, cách ông tận tụy với dịch vụ và chất lượng đến sự khôn khéo trong chiến lược marketing của ông. Tôi thậm chí đã vận dụng chiến lược sử dụng nhãn dán Apple của ông làm vũ khí xây dựng và tăng khả năng nhận diện thương hiệu. Tôi không phải là người duy nhất làm vậy: Ruschelle Khanna đặt ảnh Richard Branson làm hình nền điện thoại của bà cũng vì mục đích tương tự.
Hơn nữa, bạn cần hiểu rằng một người doanh nhân luôn phải cố gắng từng ngày, không ngừng tiến về phía trước để đạt mục tiêu. Bằng việc lấy một ai đó đã từng trải qua hành trình tương tự để làm hình mẫu lý tưởng, bạn sẽ có động lực để tiếp tục, học hỏi từ thành công và thất bại của họ.
Đừng run sợ trước thử thách
Khi hạ cánh tại San Francisco sau chuyến bay dài từ Hungary, người đầu tiên tôi gặp là một sĩ quan kiểm tra người nhập cư khá khắt khe. Khi được hỏi về mục đích nhập cảnh, tôi thành thật chia sẻ về ý định sống một ngày như Steve Jobs và ông ta không chấp nhận lý do đó.
Sau vài giờ thẩm tra, tôi được thả, và từ giây phút đó, tôi không ngừng tự nhủ rằng những thử thách như vậy chẳng nhằm nhò gì, thậm chí còn cần thiết cho một doanh nhân. Sẽ luôn có người nghi ngờ những gì bạn đang làm, giấc mơ mà bạn theo đuổi nhưng đừng để điều đó ngăn bước bạn.
Stephen Key, đồng sáng lập inventRight cũng từng khẳng định quan điểm tương tự: “Người thành công không ngừng thử thách bản thân. Cách tốt nhất để giữ lửa nhiệt huyết là luôn cố gắng dấn thân vào những trở ngại bạn chưa từng gặp phải trước đây.” Giữ lối tư duy đó và đừng bao giờ ngại khó ngại khổ cũng như để người khác cản trở con đường đi đến thành công của bạn.
Đừng giữ khư khư tư tưởng ổn định
Chuyến đi tới Thung lũng Silicon mở ra trước mắt tôi vô số tiềm năng mà con người chúng ta thường hay lãng quên. Một người doanh nhân có thể vì khối công việc khổng lồ hàng ngày mà quên đi mục tiêu lớn hơn của mình. Tuy nhiên, bạn luôn phải tập trung vào con đường mình đã vạch ra cũng như đừng bao giờ quên rằng mọi việc đều khả thi.
Có một câu chuyện vui một nhân viên tại Apple từng kể lại rằng, khi mẫu giả định của chiếc iPod được hoàn thành, Jobs đã đích thân kiểm tra và loại bỏ nó vì cho rằng kích cỡ của nó quá lớn. Người kỹ sư sau đó đã giải thích rằng thiết bị đó cũng giống như một tác phẩm nghệ thuật và không thể làm bé hơn được.
Jobs nghe xong chỉ lẳng lặng cầm chiếc iPod và thả vào bể cá gần đó, ông chỉ vào bọt nước nổi lên và nói: “Còn bọt khí nổi lên đồng nghĩa bên trong thiết kế có lỗ hổng chứa khí, vì thế hãy thu hẹp những phần đó vào.”
Giống như cách Jobs không ngừng mở rộng tầm nhìn, bạn đừng bao giờ giữ cho mình tư tưởng “an cư lập nghiệp”. Thung lũng Silicon là nơi tập trung những bộ óc lỗi lạc nhất nhưng người tài thì ở đâu cũng có, phải không? Tại quê nhà tôi ở Budapest, bạn sẽ phải ngạc nhiên với số lượng kỹ sư khổng lồ. Thực tế trên chỉ ra rằng bạn và đồng đội của mình có thể đạt được bất cứ mục tiêu nào mình đề ra.
Tham gia hoặc tự tạo một cộng đồng doanh nhân
Tôi có thể cảm nhận được tinh thần doanh nhân ở bất cứ đâu trên đường phố Thung lũng Silicon. Rõ ràng, việc xây dựng mạng lưới startup khủng như tại Thung lũng Silicon và sống trong một cộng đồng người có chung chí hướng luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác, bạn sẽ thấy có nhiều động lực để tiến xa hơn.
Hơn nữa, một cộng đồng startup cũng có thể thúc đẩy khả năng tự đổi mới bản thân bởi chính những nhân viên làm việc ở đây sẽ học hỏi được các kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết để trở thành một doanh nhân.
Thực tế đã chứng minh điều tôi vừa nói. Đơn cử như việc vô số nhân viên từng làm việc cho Apple đã tự lập công ty riêng với những thành tựu nhất định như Nest, Android, Salesforce. Nhà sáng lập Salesforce Marc Benioff – người chỉ dành duy nhất một mùa hè làm việc cho Apple cũng phải thừa nhận tác động to lớn mà trải nghiệm này mang lại cho ông: “Mùa hè năm ấy, tôi nhận ra rằng luôn có chỗ để làm một "cuộc cách mạng" trong một doanh nhân.”
Vì lý do đó, hãy đặt việc tham gia một cộng đồng startup là mục tiêu hàng đầu. Bằng việc tập trung những người có cùng định hướng, chia sẻ những câu chuyện kinh doanh cũng như bí kíp thành công, những doanh nhân non nớt có thể học hỏi và nhận được nguồn động viên to lớn. Ví dụ, mạng lưới startup ở Hungary tuy còn non trẻ nhưng không làm thay đổi thực tế rằng nó là cái nôi nuôi dưỡng tinh thần cho tôi và vô vàn doanh nhân khác.
Đừng bao giờ ngừng đọc sách
Trước mỗi chuyến bay, tôi luôn chọn cho mình một cuốn sách đồng hành và chuyến bay đến Thung lũng Silicon không là ngoại lệ. Tuy nhiên, khi rời sân bay, tôi không khỏi ngạc nhiên bởi số lượng không đếm xuể của các cửa hàng sách bên đường. Gần đây, tôi thích cảm giác vừa nhâm nhi ly cafe vừa lướt qua một cuốn sách kinh doanh mới lạ. Với tôi, thói quen này không chỉ kích thích tư duy mà còn là món quà tinh thần tôi tự dành cho mình.
Tất nhiên tôi không phải là người duy nhất làm vậy. Bill Gates, Warren Buffett, Mark Zuckerberg và rất nhiều doanh nhân tầm cỡ thế giới giữ cho mình thói quen đọc sách. Gates thậm chí từng công bố 5 cuốn sách ông đọc trong mỗi mùa hè. Trên thực tế, một nghiên cứu chỉ ra rằng 88% người giàu dành ít nhất 30 phút mỗi ngày đọc sách.
Trên hết, đọc sách không chỉ để rèn luyện tư duy mà còn là cách để tìm nguồn cảm hứng. Với tôi, cuốn “Truyền tải hạnh phúc” của Zappos CEO Tony Hsieh và “Tình cờ làm tỉ phú” – cuốn sách nói về câu chuyện thành công của Facebook, đều là nguồn động lực khổng lồ nhắc nhở tôi rằng không gì là không thể. Dù nhiều khi đọc sách nghe giống như một lời khuyên sáo rỗng nhưng hãy nhớ rằng đó là thói quen mọi doanh nhân thành đạt đều làm.
Chúng ta vẫn hay coi thường những cơ hội, những nguồn lực mà mình sở hữu cho đến khi chúng ta đánh mất chúng.
Dù tôi luôn ngưỡng mộ Steve Jobs nhưng đến tận khi ông qua đời, mãi đến khi tôi tiến hành chuyến thăm Thung lũng Silicon, tôi mới nhận ra giá trị không gì sánh được của việc được trở thành một doanh nhân và được truyền cảm hứng. Vì vậy, hãy nhớ kỹ những bài học trên và đừng bao giờ đánh mất nhiệt huyết của mình khi còn là doanh nhân!
Theo Trí Thức Trẻ/Entrepreneur/CFbiz